Nền tảng phân phối thực phẩm B2B này cho biết họ đã huy động được 4,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do Tập đoàn CPF cùng các quỹ đầu tư mạo hiểm Quest Ventures và Genesia Ventures đồng dẫn dắt
Các doanh nghiệp F&B sử dụng nền tảng này để dễ dàng đặt hàng từ nhiều nông dân. Kamereo phụ trách đàm phán với nhà cung cấp, xử lý và quản lý đơn hàng, đồng thời phân phối sản phẩm. Ảnh: Kamereo.
Trước khi thành lập Kamereo vào năm 2018, Taku Tanaka là Giám đốc điều hành của Pizza 4Ps – khởi đầu là một nhà hàng tại TP.HCM và sau ba năm từ khi anh gia nhập, họ đã có 10 cửa hàng (hiện tại Pizza 4Ps đã có hơn 30 địa điểm tại Việt Nam).
Trong thời gian làm Giám đốc điều hành ở đó, Tanaka nhận thấy các nhà hàng hiện nay gặp khó khăn trong việc kết nối với người nông dân. Nhiều doanh nghiệp F&B nhỏ không thể mua hàng với số lượng lớn, vì vậy họ phải dựa vào các chợ lân cận hoặc những nhà cung cấp chỉ bán một mặt hàng. Ngược lại, người nông dân cũng không thể kết nối với đối tượng khách hàng cuối cùng mua sản phẩm của họ, khiến họ khó dự đoán giá bán hoặc lập kế hoạch trồng trọt. Tanaka đã thành lập Kamereo, nền tảng B2B với kho hàng riêng và mạng lưới giao hàng tận nơi nhằm tập trung giải quyết nút thắt này.
Mới đây, Kamereo, có trụ sở tại TPHCM, đã thông báo huy động được 4,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do Tập đoàn CPF cùng các quỹ đầu tư mạo hiểm Quest Ventures và Genesia Ventures đồng dẫn dắt. Startup này dự định sử dụng nguồn vốn vào việc tuyển dụng nhân sự, xây dựng hệ thống quản lý kho mới, nâng cao giao diện cho người dùng và mở rộng phạm vi hoạt động ra Hà Nội vào năm tới.
Kamereo làm việc với khoảng 15 chủ trang trại/hợp tác xã và phục vụ hơn 400 khách hàng thường xuyên, với đủ quy mô – từ nhà hàng gia đình đến chuỗi nhà hàng với hơn 20 địa điểm. Bất chấp những hạn chế về đi lại và đóng cửa tạm thời cơ sở kinh doanh do dịch Covid-19, Kamereo cho biết đã tăng trưởng trung bình 15% mỗi tháng trong suốt 12 tháng qua. Hiện họ có khoảng 100 nhân viên.
Các doanh nghiệp F&B sử dụng nền tảng này để dễ dàng đặt hàng từ nhiều nông dân. Kamereo phụ trách đàm phán với nhà cung cấp, xử lý và quản lý đơn hàng, đồng thời phân phối sản phẩm. Tanaka chia sẻ với TechCrunch rằng công ty trực tiếp vận hành các kho hàng và mạng lưới giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) của riêng mình vì như vậy chi phí sẽ rẻ hơn so với việc dựa vào bên thứ ba.
Kamereo sử dụng xe máy làm phương tiện chính giao hàng ở chặng cuối, do Việt Nam có nhiều tuyến đường nhỏ mà xe tải không thể vào được. Theo Tanaka, nhược điểm của điều này là họ bị hạn chế số lượng hàng hóa có thể được giao trong một chuyến đi. Do các tài xế cần thực hiện nhiều chuyến giao mỗi ngày, Kamera dự định mở rộng mạng lưới kho hàng siêu nhỏ tại TPHCM để tài xế không cần phải di chuyển xa. Đội ngũ công nghệ của Kamereo cũng đang xây dựng một hệ thống nội bộ để quản lý hàng tồn kho, phân phối và giao hàng chặng cuối với mục tiêu giảm thiểu chi phí nhất có thể.
Trong thông cáo báo chí về khoản đầu tư, Goh Yiping, đại diện của Quest Ventures, cho biết “Kamero đang hoạt động tại một trong những trung tâm sản xuất lương thực lớn nhất Đông Nam Á, và họ có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa thông qua việc giải quyết những lỗ hổng của chuỗi cung ứng hiện tại, cải thiện sinh kế của người nông dân, đồng thời cung cấp các sản phẩm tốt nhất cho các doanh nghiệp và gia đình.”