Nền tảng này thực hiện chức năng kết nối với khách hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng trên cả nước với định hướng thực hiện trọn vẹn các dịch vụ công chứng trên môi trường trực tuyến.

Sáng 23/4, nền tảng công chứng trực tuyến CCOL đã được giới thiệu tại Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Nền tảng Công chứng trực tuyến CCOL thực hiện chức năng kết nối khách hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng trên cả nước với định hướng thực hiện trọn vẹn các dịch vụ công chứng trên môi trường trực tuyến. Đồng thời, nó cho phép các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng thực hiện quản trị hoạt động của tổ chức mình như một doanh nghiệp độc lập.

Ông Trần Quốc Bảo đại diện cho đơn vị cung cấp nền tảng chia sẻ về các tính năng và công nghệ được tích hợp
Ông Trần Quốc Bảo (phải) đại diện cho đơn vị cung cấp nền tảng chia sẻ về các tính năng và công nghệ được tích hợp. Ảnh: BN


Các lĩnh vực mà người dân có thể sử dụng dịch vụ công chứng trực tuyến là di chúc - thừa kế, cầm cố - thế chấp, sao y - chứng thực, thuê - mượn tài sản, ủy quyền, thỏa thuận phân chia tài sản vợ - chồng, tặng cho tài sản, đặt cọc, vay tài sản, góp vốn, chuyển nhượng mua bán.

Theo ông Trần Quốc Bảo - CEO Của Công ty Cổ phần dịch vụ Công chứng trực tuyến, dịch vụ này giúp việc công chứng được thực hiện dễ dàng, nhanh gọn. Hệ thống cho phép người dùng lựa chọn công chứng viên và giao hồ sơ để các công chứng viên thẩm định, chuẩn bị trước khi mang bản chính đến để công chứng viên kiểm-chiếu, mà vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Công chứng, theo đó các bên bắt buộc phải ký trước mặt công chứng viên, giúp người dân và doanh nghiệp hạn chế việc phải đi lại nhiều lần đến các địa điểm công chức khi hồ sơ chưa đầy đủ.

"Điều này giúp tiết kiệm tới 70% thời gian chuẩn bị hồ sơ so với phương thức truyền thống" - ông Bảo cho biết.

Bên cạnh đó, hệ thống CCOL cho phép người dùng đánh giá công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng để từ đó tư vấn cho người dùng những lựa chọn tốt nhất.

Nền tảng CCOL đã được một số văn phòng công chứng sử dụng, trong đó có văn phòng công chứng Trí Nam, Văn phòng Công chứng Phạm Văn Vinh, Văn phòng Công chứng Nguyễn Luyện,...

Theo bà Trần Thị Quốc Hiền - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính triển khai chính phủ điện tử.

“Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam” là hoạt động tiếp nối của chuỗi sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ” ra mắt các nền tảng chuyển đổi số trong năm 2020, được tổ chức theo format mới. Theo đó, bên cạnh phần giới thiệu của đơn vị phát triển nền tảng số, sẽ có thêm phiên tương tác trực tiếp giữa đội ngũ phát triển nền tảng và báo chí, người sử dụng theo hình thức tranh biện. Cuối phiên, người tham dự sẽ được bình chọn công khai cho sản phẩm, giải pháp công nghệ mà Diễn đàn chọn giới thiệu.