Ngày 23/4 tại TPHCM, Cục Công tác phía Nam, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức hội thảo phổ biến, hướng dẫn tham gia tuyển chọn và thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư dành cho tổ chức KH&CN.

Hội thảo đã giành được sự quan tâm của nhiều các nhân, tổ chức KH&CN, trường đại học tại khu vực phía Nam.

Bà Tô Mai Trinh, Phó Trưởng phòng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, Thông tư 10 thay thế cho Thông tư 12/2014/TT-BKHCN, được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN, cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nhiệm vụ Nghị định thư phải đáp ứng các tiêu chí của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước như: Giải quyết những vấn đề KH&CN cấp thiết; Tìm kiếm, giải mã và hướng tới làm chủ hoặc tạo ra công nghệ mới, tiên tiến có tính đột phá, góp phần tạo ra sản phẩm mới, ngành sản xuất mới; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý KH&CN; Thúc dẩy hợp tác với các đối tác nước ngoài có quan hệ truyền thống đặc biệt.

Bà Tô Mai Trinh
Bà Tô Mai Trinh giới thiệu về Thông tư 10/2019/TT-BKHCN Ảnh: KA

Khác với Thông tư 12, các yêu cầu được đưa ra cụ thể ngay từ đầu khi đặt hàng nhiệm vụ Nghị định thư, Thông tư 10 để mở, chỉ đưa ra các hướng nghiên cứu ưu tiên của từng lĩnh vực từ các hướng nghiên cứu ưu tiên này, các nhà khoa học, tổ chức trong nước có thể thảo luận với các đối tác nước ngoài để tìm ra ý tưởng hai bên có thể thực hiện một hoặc nhiều vấn đề cụ thể. Từ đó, mới xây dựng hồ sơ thuyết minh nhiệm vụ gửi về Bộ KH&CN.

Bà Trinh nhấn mạnh, Thông tư 10 chỉ quy định gửi một lần hồ sơ, nên việc viết thuyết minh hồ sơ là vấn đề quan trọng. Vì vậy, các cá nhân, tổ chức cần viết cụ thể, rõ ràng các nội dung nghiên cứu và triển khai của phía Việt Nam; nội dung phối hợp nghiên cứu với đối tác nước ngoài; nội dung hoàn thiện và làm chủ kết quả. Ngoài ra, trong hồ sơ, cũng cần viết rõ, chi tiết năng lực nghiên cứu, thành tựu của tổ chức trong nước đối với việc giải quyết nhiệm vụ đặt ra. Đối với các đối tác nước ngoài, cũng cần nhấn mạnh những thành tựu, thế mạnh của họ về lĩnh vực đề xuất trong nhiệm vụ. Bên cạnh đó, sở hữu trí tuệ cũng là một trong những vấn đề mà các cá nhân, tổ chức khi thuyết minh nhiệm vụ vần lưu ý làm rõ.

Đ
Đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ những điểm chưa rõ về Thông tư 10 Ảnh: KA
Bà Trinh cho biết thêm, Thông tư 10 còn giảm bớt một số thủ tục trong việc thuyết minh đăng ký tham gia tuyển chọn nhiệm vụ như không yêu cầu phân bổ kinh phí chi tiết, lý lịch khoa học của những người tham gia chỉ yêu cầu bản sao (chỉ chủ nhiệm đề tài mới yêu cầu bản chính),… Thông tư 10 cũng quy định, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ kinh phí tối đa không vượt quá 2,5 lần (trước đây là 1,5 lần) nguồn lực đóng góp của đối tác nước ngoài.

Theo bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, hiện nay Việt Nam có một số chương trình hợp tác song phương với các nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Ý, Đức,… cùng 2 chương trình hợp tác đa phương (Đông Á, Đông Nam Á – Châu Âu) và 2 chương trình hơp tác với đối tác đặc biệt (Lào, Cuba). Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ NĐT hợp tác song phương. Bà Hồng cho rằng, các tổ chức, cá nhân cần tích cực tham gia các nhiệm vụ theo NĐT, để tranh thủ nguồn lực, tri thức, công nghệ của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước để có thể tham gia hợp tác đối tác bình đẳng và cùng có lợi trong dài hạn.

Hiện nay, Bộ KH&CN tiếp nhận hồ sơ tham gia nhiệm vụ KH&CN theo NĐT theo cả hai hình thức trực tiếp (tại Bộ KH&CN) và online qua địa chỉ: http://stm.most.gov.vn