Bản báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) kêu gọi những thay đổi cấp thiết trong hoạt động nông nghiệp, sử dụng đất và chế độ dinh dưỡng nhằm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu được trình lên Liên hợp Quốc bởi các chuyên gia đầu ngành đến từ hơn 100 quốc gia.
Trong báo cáo, IPCC đã nêu tầm quan trọng của chế độ ăn chú trọng thực vật (plant-based diet) như giải pháp chủ lực và kèm theo chính sách khuyến cáo giảm tiêu thụ thịt động vật. “Chúng tôi không yêu cầu mọi người phải ăn cái gì…. Nhưng sẽ rất có ích cho cả môi trường và sức khỏe nếu người dân ở các nước giàu có ăn ít thịt hơn và có các động thái thúc đẩy mang tính chính trị.”, ông Hans-Otter Pörtner, nhà sinh thái học, đồng chủ trì ICCP cho biết.
Hình minh họa. Nguồn:Yasuyoshi Chiba / AFP / Getty
Các nhà khoa học cũng liên hệ kết quả báo cáo với tình trạng leo thang nạn phá rừng ở các khu rừng nhiệt đời. Vốn là một “bể carbon” khổng lồ giúp điều hòa nhiệt độ toàn cầu, nay các rừng mưa Amazon đang đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa và thải ra đến 50 tỉ tấn carbon vào khí quyển trong 30 đến 50 năm tới. Nguyên nhân nằm ở chính sách và các hoạt động của chính phủ Brazil dưới thời Tổng thống Jais Bolsonaro.
Hoạt động liên quan tới quản lý và sử dụng đất đai, bao gồm nông nghiệp và lâm nghiệp, là nguồn phát thải một phần tư tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Với tình trạng này, cuộc đua kìm hãm tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức tăng 1.5 độ C so với thời kì tiền công nghiệp – mục tiêu Hiệp định quốc tế Paris về Khí hậu đề ra năm 2015 – sẽ thất bại nếu không có biện pháp sử dụng đất bền vững và thân thiện hơn.
Bản báo cáo nhấn mạnh tính cần thiết của việc bảo vệ và tái tạo rừng nhằm hấp thụ lượng carbon trong không khí và than bùn. Đặc biệt, chăn nuôi gia súc đã gây ra nạn chặt phá rừng trên diện rộng ở các quốc gia như Brazil hay Columbia. Trong quá trình tiêu hóa, gia súc như bò cũng thải ra một lượng lớn methane – một loại khí nhà kính. Các nhà nghiên cứu tự tin khẳng định chế độ ăn cân bằng với thực phẩm chủ yếu bao gồm thực vật và nguồn thịt động vật được sản xuất theo tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường vừa giảm thiểu tác hại lên môi trường, vừa mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe con người.
Các nhà khoa học dự đoán đến năm 2050, những thay đổi về chế độ dinh dưỡng như trên nếu được thực hiện có thể trả lại 5 triệu km2 diện tích đất trồng rừng, đồng thời giảm 8 tấn khí thải carbon toàn cầu mỗi năm.
Chính phủ các nước sẽ đưa báo cáo của ICCP vào xem xét trong Hội nghị về Khí hậu của LHQ được tổ chức tại New York trong tháng tới. Các thỏa thuận về hiệp định Paris giữa các bên sẽ diễn ra sau đó vào tháng 12 tại Santiago, Chile.
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-02409-7
Công Nhất theo Nature