Theo báo cáo cập nhật tình hình thực hiện gần nhất vào quý 3/2017, chỉ tiêu này chưa đạt được do thành phố chưa thể đánh giá được tỷ lệ % ô nhiễm giảm vì chỉ sử dụng kết quả tại 12 điểm quan trắc không khí giao thông để đánh giá sơ bộ và kết quả đo được cho thấy sự tăng giảm không đồng nhất giữa các vị trí.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

Ngay sau đó, TP.HCM mới bắt đầu thực hiện các đề án đánh giá lượng xe lưu thông các loại trên đường, đo đạc mức độ phát thải của từng loại xe, xây dựng tải lượng phát thải….

Tính đến nay, TP.HCM có hơn 790,000 xe ô tô và 7,5 triệu xe máy đang lưu thông và dự báo con số này sẽ tăng thêm 30% vào năm 2020. Trong đó có hàng triệu xe máy đã quá hạn sử dụng, xe tự chế, xe tải chạy dầu diesel… gây bụi và thải khí độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí xung quanh.

Hành động của chính quyền

Các giải pháp trọng tâm được đưa ra là đầu tư mới xe buýt đến năm 2020, tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng, kêu gọi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải hành khách sử dụng nhiên liệu sạch thay nhiên liệu xăng dầu, hạn chế lưu thông đối với phương tiện giao thông cá nhân…

Sở GTVT đã triển khai đến các đơn vị tham gia đề án đầu tư thay thế 1680 xe buýt (đề án 1680) sang sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Tính đến cuối năm 2018, TP có trên 10 xe buýt điện và gần 430 xe buýt chạy khí CNG trong tổng số hơn 2,500 xe buýt công cộng, đạt trên 17%. Thành phố đang nỗ lực mở rộng các điểm cung cấp nhiên liệu CNG, tuy nhiên tiến độ vẫn tương đối chậm do gặp trở ngại trong việc thỏa thuận giá cả với nhà cung cấp nhiên liệu và xây dựng trạm mới.

Sở GTVT tiếp tục thống kê số lượng xe máy qua sử dụng để xác định số xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đề xuất biện pháp xử lý. Rà soát với các xe tự chế, xe không đăng ký để ngưng hoạt động; hạn chế hoạt động đối với xe máy vào năm 2030 tại một số khu vực trung tâm và khu vực có tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng; triển khai thí điểm đường dành riêng cho xe đạp trong một số khu đô thị.

Một số giải pháp khác cũng được đặt ra và đang trong giai đoạn nghiên cứu như: lập dự án thu phí ô-tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, với mức phí bảo đảm để tác động giảm số lượng phương tiện lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố; lập đề án thu phí ô nhiễm môi trường các loại phương tiện giao thông đường bộ theo mức khí thải khi lưu hành; xây dựng mức phí đậu xe khu vực trung tâm phù hợp nhằm hạn chế việc đậu xe.

Hồ Chí Minh cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, công nghệ vận tải xanh để giảm phát thải khí nhà kính trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa. Mặc dù rất khó để thành phố có thể đạt được mục tiêu tham vọng giảm 70% trong năm 2020 nhưng những hành động của Hồ Chí Minh đã chứng tỏ quyết tâm cải thiện chất lượng không khí và đời sống dân cư.