Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam VINASA vừa công bố khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc 26 lĩnh vực.
Theo thống kê của VINASA, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có hơn 811.000 doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm 98,1% về số lượng và đóng góp 45% GDP cho nền kinh tế. Năm 2021 do tác động của các đợt bùng phát dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hầu hết trong số này là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chuyển đổi số được coi là một trong những giải pháp then chốt giúp các doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, VINASA cho biết, trong cuộc khảo sát năm ngoái, 72% số doanh nghiệp tham gia nói không biết bắt đầu từ đâu, 92% nói không biết chuyển đổi số thế nào và 69% lúng túng trong việc lựa chọn đối tác để triển khai chuyển đổi số.
Để khắc phục tình trạng này, VINASA đã cùng các chuyên gia từ nhiều công ty công nghệ xây dựng "Khung hướng dẫn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs" thuộc 26 lĩnh vực ở 3 khối ngành: thương mại, dịch vụ và sản xuất (quy mô nhỏ).
Tại mỗi ngành, Khung hướng dẫn được chia thành 5 phần cơ bản: thực trạng và xu hướng phát triển ngành; khung hướng dẫn chuyển đổi số cho ngành; bộ giải pháp chuyển đổi số; khuyến nghị những kỹ năng số cần đào tạo cho nhân sự, và bộ tiêu chí đánh giá.
Trong đó, phần quan trọng nhất là khung hướng dẫn, gồm 2 loại: khung cơ bản, tức các giải pháp và dịch vụ chuyển đổi số cơ bản mà hầu hết các lĩnh vực đều cần; và khung chuyên dụng, tức các giải pháp chỉ ngành nghề hoặc lĩnh vực đặc thù mới sử dụng, như tự động hóa, AI phân tích kinh doanh, phần mềm quản lý khách sạn cho lĩnh vực du lịch…
VINASA cũng cung cấp thông tin về các bộ giải pháp chuyển đổi số cho từng loại doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Bộ giải pháp được chia làm 3 cấp độ, gồm giai đoạn sẵn sàng, phát triển và đột phá.
Các nhà xây dựng Khung nhận thấy rằng chuyển đổi số thành công hay thất bại là do yếu tố con người, do vậy tài liệu hướng dẫn còn đề cập những kĩ năng số cần được đào tạo cho các lãnh đạo, cán bộ nhân viên. Những kỹ năng này được phân loại theo yêu cầu hệ thống và theo trình độ cần có của nhân lực đảm nhận ở từng vị trí.
Cuối cùng, tài liệu còn cung cấp bộ tiêu chí đánh giá giúp các doanh nghiệp tự chấm điểm mức độ chuyển đổi số của mình. Toàn bộ tài liệu đã được phát hành công khai và miễn phí trên website
www.dx4sme.vn.
Trong khuôn khổ buổi lễ công bố ngày 2/12, VINASA đã ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, và Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) để triển khai các chương trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp hội viên. VINASA cho biết sẽ chịu trách nhiệm kết nối các chuyên gia chuyển đổi số với doanh nghiệp một cách nhanh chóng.