Trăn trở với chữ “sạch”
Sinh ra trong một gia đình miền biển của tỉnh Bình Thuận, món ăn từ cá gắn bó với Nguyễn Đức Hiếu (ĐH ngoại thương cơ sở 2) từ rất nhỏ. Lớn lên, khi bước chân vào giảng đường ĐH, Hiếu vẫn không từ bỏ thói quen ăn cá hàng ngày.
Định kỳ hằng tháng, bố em ở quê lại bảo quản thực phẩm trong hộp rồi gửi lên thành phố cho con. Trong một lần lâm bệnh, bố không thể gửi cá đóng hộp đúng thời gian. Vậy là Hiếu phải tự mình ra chợ mua cá về chế biến.
Nhưng do đã quen ăn cá ở quê nên Hiếu cảm giác rằng cá mua ở chợ không mấy tươi ngon. Mặt khác, xem tivi báo đài, Hiếu cũng biết được, tỷ lệ người việt Nam mắc bệnh ung thư ngày càng cao vì ăn những thực phẩm không đảm bảo an toàn.
“Vậy tại sao mình lại không sản xuất một chuỗi cá sạch để khởi nghiệp và mang lại niềm tin từ người tiêu dùng. Hiện nay, ở Việt Nam chưa hề có một thương hiệu cá sạch nào có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu quốc tế. Vậy khởi nghiệp bằng thực phẩm từ cá biển sạch sẽ hứa hẹn mang lại nhiều thành công”- Hiếu chia sẻ.
.
Bắt đầu từ ý tưởng đó, Hiếu vận động bạn bè góp vốn để khởi nghiệp. Hiện tại, nhóm của Hiếu có 12 thành viên, chủ yếu là các bạn sinh viên yêu thích làm startup.
Để có được nguồn cá sạch, vừa đảm bảo chất lượng, vừa phong phú về chủng loại, nhóm Hiếu đã rất vất vả.
Ban đầu, nhận được lời giới thiệu của một người quen, nhóm đã tìm được nguồn cá tươi ở Thị xã La Gi (Bình Thuận). Tuy nhiên, nhóm phải dừng quá trình hợp tác vì một sự cố chất lượng sản phẩm.
“Tin tưởng vào sự giới thiệu của người quen, nhóm không ngờ là nguồn cá biển được cung cấp lại không sạch. Bỏ ra số tiền 5 triệu đồng để mua cá về nhưng không đảm bảo chất lượng, nhóm cũng không thể trả lại cho người bán. Vậy là cả nhóm phải họp để tìm ra phương án xử lý số cá này. Nhiều ý kiến tranh luận đã diễn ra. Cuối cùng nhóm đã phải “tự xử” số cá này và quyết định không bán ra thị trường vì chất lượng không đảm bảo” - Trần Anh Pháp, thành viên nhóm nói về những khó khăn ban đầu.
Tiếp tục con đường tìm kiếm nguồn hàng, nhóm đã vượt quãng đường hàng trăm km về đến tận huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nhóm mừng như “bắt được vàng” khi tới một chợ cá tươi chỉ bán những loại hải sản vừa được đánh bắt về. Đây như là “thiên đường” củacác loài cá.
Tham vọng xây dựng quy trình chuỗi cá sạch hướng đến xuất khẩu
Theo M4S, cá ở khu vực huyện đảo Phú Quý có quanh năm và rất đa dạng về chủng loại, có nhiều loài cá được xem là đặc sản như: Cá Đù, cá Rựa, cá Chìa vôi, cá Lem...
Mặt khác, do được mua ngay tại biển nên giá thành cá rẻ và điều quan trọng nhất là cá sạch vì những ngư dân ở đây đều là những người đi biển với quy mô tàu nhỏ, đánh bắt nhỏ lẻ nên cá rất tươi và còn sống hoàn toàn sau khi đánh bắt.
Để đảm bảo giữ được toàn bộ chất lượng cá thì quan trọng nhất chính là khâu bảo quản. Theo M4S, sau khi mua cá, nhóm sẽ hoàn tất các khâu xử lý cá đông lạnh trong vòng 30 phút để giữ lại độ tươi ngon của cá.
Cá sẽ được rửa bằng nước mặn trước khi đưa vào đóng gói và hút chân không. Hiếu cho biết, theo nghiên cứu và thực nghiệm, thông thường trong quá trình rửa cá người ta thường rửa bằng nước ngọt.
Song, nếu rửa cá bằng phương pháp đó, quá trình tiếp xúc, thẩm thấu giữa cơ thể cá với nước sẽ diễn ra khiến cá sẽ không còn ngon nữa so với phương pháp rửa cá bằng nước biển. Vì nước biển vẫn là môi trường tiếp xúc của cá.
Sau khi rửa cá bằng nước biển, cá sẽ được cho vào túi và hút hết không khí để giảm khả năng tạo ra phản ứng ô xi hóa làm giảm chất lượng của cá. Cá sẽ được làm lạnh ở nhiệt độ -40 độ C, bắt đầu quá trình bảo quản.
.
“Cá sau khi hút hết không khí và làm lạnh ở nhiệt độ như vậy gần như hoàn toàn giữ được độ tươi ngon. Người sử dụng chỉ cần rã lạnh để sử dụng” - Cao Văn Phúc, SV ĐH CNTT, cho biết.
Tham vọng của nhóm là hướng đến một chuỗi cung ứng cá sạch từ khâu đánh bắt đến bảo quản và phân phối.
Nhóm sẽ hướng dẫn ngư dân cách gỡ lưới đúng cách để không làm ảnh hưởng đến chất lượng của cá, hướng dẫn bảo quản cá đúng cách sau khi đánh bắt để giữ được độ tươi ngon. Sau đó, tiếp tục huy động nguồn lực từ đội ngũ những kỹ sư tự động hóa để phát triển xưởng sản xuất tự động mọi quy trình bảo quản cá sau khi đánh bắt.
Cá sẽ được rửa bằng vỉ và có hệ thống tưới nước tự động trong một khoảng thời gian nhất định. Tốc độ nước xả trong quá trình rửa sẽ được tính toán một cách hợp lý để đảm bảo quá trình bảo quản tuân theo một chất lượng ổn định và tương đối đồng nhất.
Khi đã xây dựng một buỗi đánh bắt, bảo quản sạch, nhóm sẽ nhắm tới việc xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc của cá ngay trên bao bì. Để khi mỗi sản phẩm vào siêu thị hay chợ thì người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, dần mở rộng xuất khẩu đến những thị trường quốc tế.
“Một cách phát triển sản phẩm mà nhóm đang ấp ủ là dùng cá đổi cá. Tức là mỗi người tiêu dùng sẽ dùng cá mình mua theo phương pháp thông thường để đổi lấy cá sạch. Mục đích của nhóm hướng đến giúp người dân kiểm chứng cá sạch so với cá thường ăn sẽ khác nhau như thế nào. Từ đó xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh cho mọi người”- Hiếu nói thêm.