(Chinhphu.vn) – Phong trào khởi nghiệp sáng tạo (start-up) đã khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, tinh thần ‘người trong cuộc’ của rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên, đặc biệt từ học sinh phổ thông, để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khởi nghiệp sáng tạo góp phần khơi dậy tinh thần ‘người trong cuộc’ của học sinh, sinh viên, để tham gia xây dựng và phát triển đất nước sau này. Ảnh: VGP/Đình Nam
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ đánh giá này tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020, diễn ra sáng 22/12, tại Trường Đại học Thủy lợi.
Bộ GD&ĐT cho biết, qua 3 năm tổ chức Ngày hội theo Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), tỉ lệ sinh viên sau tốt nghiệp khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp tăng từ 5% tính đến cuối năm 2018 lên 9% năm 2020, đặc biệt đối với nhóm ngành công nghệ, kinh tế.
50% đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có các cuộc thi về khởi nghiệp; 60% số trường THPT, THCS có học sinh tham gia các hoạt động khởi nghiệp.
Số lượng ý tưởng, dự án tham gia “Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp-SV.STARTUP” tăng từ 200 (năm 2018) lên gần 400 (năm 2019) và hơn 600 (năm 2020). Chất lượng, tính khả thi, tính sáng tạo của các dự án cũng được đánh giá cao. Một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ những ngày đầu xuất hiện ở Việt Nam, đến nay phong trào khởi nghiệp sáng tạo (start-up) đã được truyền cảm hứng, tiếp sức mạnh, tạo điều kiện và đã huy động được rất nhiều bạn trẻ tham gia.
Ngày hôm nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có một bước tiến rất dài, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Chúng ta đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong các trường đại học học đã có hơn 70 không gian làm việc chung dành cho start-up, trên 3.000 doanh nghiệp start-up thành công. Điều quan trọng nhất, rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên, đặc biệt từ học sinh phổ thông, đã được khơi dậy khát vọng khởi nghiệp để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng start-up của sinh viên Trường đại học Thủy lợi. Ảnh: VGP/Đình Nam
|
Trong 30 năm đổi mới, đất nước đã có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ, duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình liên tục cao thứ 2 thế giới. Phần lớn thành quả phát triển được dành cho người dân. Bên cạnh những thành quả đáng tự hào, Phó Thủ tướng cho rằng còn rất nhiều nỗi lo khi thu nhập GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam tính theo sức mua mới đứng khoảng 100 trên thế giới. Nhiều chỉ số như môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, chính phủ điện tử… đứng khoảng vị trí thứ 70-80. Trong khi đó, Báo cáo Việt Nam 2035 (công bố đầu năm 2016) nhận định, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, liên tục trong 20 năm tiếp theo thu nhập GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam phải tăng khoảng 7,5%/năm.
Phó Thủ tướng khẳng định dân tộc Việt Nam nhất định không chấp nhận nghèo mãi nhưng cũng không mong một xã hội có thể thu nhập rất cao, rất giàu nhưng không yên bình, không có tình yêu thương, không an toàn. Chúng ta phải tiếp tục phát triển nhanh hơn nhưng phải bền vững theo Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã cam kết tham gia.
“Thế giới ngày nay giống như trong một cuộc chạy việt dã về phát triển, cạnh tranh. Trên thế giới có khoảng 200 quốc gia/vùng lãnh thổ, Việt Nam chạy nhanh thứ hai nhưng do xuất phát chậm nên vị trí mới ở khoảng thứ 100. Nếu lơi lỏng một chút, bước sai một chút chúng ta không chỉ bị tụt lại mà có thể bị loại khỏi cuộc đua, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Phó Thủ tướng ví von.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển nhanh hơn bởi dư địa cải cách thể thế, chính sách cũng như tiềm lực trong nước còn rất lớn.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm một gian hàng tại "Ngày hội Khởi nghiệp học sinh, sinh viên 2020". Ảnh: VGP/Đình Nam
|
Những năm gần đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện liên tục nhưng vẫn đứng thứ khoảng “trên 60, gần 70” trên thế giới. Nếu môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi đứng thứ khoảng 20-30, chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn, đất nước cũng sẽ phát triển hơn. Quan trọng là trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển, một môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều cách làm, mô hình kinh doanh hoàn toàn mới dựa trên công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và cách tiếp cận mới, thậm chí tạo ra thị trường mới. Sự thành công của những doanh nghiệp như vậy không chỉ đo bằng một vài chục phần trăm phát triển như doanh nghiệp bình thường. Đây là thời cơ của cộng đồng start-up.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong cuộc đua này, dù các nước phát triển có lợi thế hơn những nước đang phát triển như Việt Nam nhưng nước nào, dân tộc nào, cộng đồng nào khơi dậy được khát vọng, sự dũng cảm tìm tòi thì có nhiều cơ hội thành công hơn. Các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng các quyết định, chương trình của Chính phủ liên quan đến start-up chính là nhằm khơi dậy khát vọng đó.
Cùng với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển doanh nghiệp nói chung, chúng ta sẽ tìm ra, khơi dậy, tạo điều kiện để những cộng đồng doanh nghiệp như cộng đồng start-up lớn mạnh thật nhanh, có sức bật lớn. Có như vậy đất nước mới có thể phát triển nhanh hơn nữa.
“Đây không phải là việc dễ dàng nếu không muốn nói là rất khó, bởi nhiều doanh nghiệp start-up đã thất bại không chỉ một lần trước khi thành công”, Phó Thủ tướng chỉ rõ và khẳng định “không có cách nào khác là phải tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới thật mạnh mẽ, để sao cho nguồn lực của đất nước được sử dụng một cách tốt nhất bởi các doanh nghiệp, cá nhân có giải pháp hiệu quả nhất”. Chúng ta phải tiếp tục cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng khẳng định phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, bởi nguồn nhân lực của Việt Nam là một yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhận được sự tôn trọng của các quốc gia trên diễn đàn quốc tế.
Cùng với thứ hạng của giáo dục phổ thông của Việt Nam đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD), đứng dưới thứ 40, chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 42, giáo dục đại học, trong 5 năm trở lại đây đã có những bước tiến rất lớn.
Từ chỗ đứng ngoài 100 và không được xếp hạng, đến nay nhờ đổi mới, thực hiện tự chủ đại học, chúng ta đã có 4 trường đại học Việt Nam lọt vào top 1.000 trường tốt nhất thế giới trong các bảng xếp hạng có uy tín. Các trường đại học cũng chiếm khoảng 85% tổng số bài báo khoa học công bố quốc tế so với tỷ lệ 15% cách đây 5 năm. Các trường đại học đã thực sự chú trọng đến nghiên cứu khoa học và phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các em học sinh Trường THCS Chu mạnh Trinh, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: VGP/Đình Nam
|
“Chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp start-up thành công trong trường phổ thông, trường đại học nhưng ít nhất là trang bị những kiến thức cơ bản nền tảng, khơi dậy tinh thần ‘người trong cuộc’ của học sinh, sinh viên, tham gia xây dựng và phát triển đất nước sau này”, Phó Thủ tướng nói và nhắn nhủ các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, bên cạnh việc học tốt cần tích cực học hỏi qua các hoạt động xã hội, qua giao tiếp, qua các phong trào như start-up để có được sự hiểu biết, sẵn sàng nhất định cho một thế giới sẽ biến động rất nhiều trong tương lai.
“Ngày nay, tri thức, ý tưởng được chia sẻ thì giá trị sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Ngay từ bây giờ các bạn trẻ hãy kết nối, hình thành các mạng lưới đối tác tiềm năng, người đồng hành tiềm năng cho các ý tưởng, dự án start-up tương lai. Hãy vững tin rằng nếu quyết tâm và nắm chặt tay nhau chúng ta có thể làm được những điều mà bản thân và bạn bè tưởng chừng không làm được”, Phó Thủ tướng tin tưởng.
Đình Nam