Nhằm đánh giá vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, ngày 26/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội tổ chức hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
Hội thảo là một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm thực hiện Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TW), diễn ra trong hai ngày, 26 và 27/11/2018.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh, khoa học và công nghệ đã thực sự là một trong các giải pháp quan trọng, đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu… phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: Anh Tuấn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay khoa học và công nghệ đã có những bước phát triển vượt bậc làm tăng sản lượng và đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%. Đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía,… được sử dụng giống mới, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng… Đến hết năm 2017, 800 tiêu chuẩn, 210 quy chuẩn kỹ thuật đã được công nhận, ban hành và áp dụng hiệu quả.
Kết quả là, từ năm 2008 đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản đạt 261,2 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Từ chỗ chỉ có 5 nhóm mặt hàng về nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm năm 2008, sau 10 năm, Việt Nam đã có 10 nhóm mặt hàng với giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm, trong đó có 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Thu nhập hộ gia đình ở nông thôn tăng từ trung bình 75,8 triệu đồng (năm 2012) lên 130 triệu đồng (năm 2017).
Gian trưng bày thành tựu 10 năm phát triner nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Đoàn Dung
Theo các chuyên gia tại hội thảo, những ứng dụng mới có khả năng giúp nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng sản
phẩm nông nghiệp hiện nay bao gồm công nghệ cảm biến trong theo dõi các yếu
tố ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, giải pháp công nghệ trong sơ chế,
chế biến và bảo quản nông sản, ứng dụng IoT và công nghệ cao trong phát
triển nông nghiệp…
Mặc dù khoa học và công nghệ nông nghiệp đã đóng góp to lớn trong tăng trưởng ngành và thúc đẩy phát triển kinh tế, các chuyên gia cho rằng, hoạt động khoa học và công nghệ của ngành vẫn còn một số hạn chế như trình độ khoa học và công nghệ nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực còn thấp, chậm phát triển và có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực. Các nội dung nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng chưa cao; các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp còn thiếu sự phối hợp, thường xuyên xảy ra tình trạng chồng chéo, thiếu sự kế thừa về nội dung trong khi nguồn lực còn hạn chế. Thành tựu đạt được mới chỉ thể hiện ở một số sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, lúa, ngô, tiêu, cà phê, cao su...
Để khoa học và công nghệ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nông nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, cần có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, tăng cường hợp tác quốc tế đồng thời nâng cao tiềm lực, lựa chọn công nghệ nhập khẩu…