Vừa qua, tại Sở KH&CN tỉnh Kon Tum tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng để xử lý phụ phế phẩm nông nghiệp làm phân bón” do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN chủ trì và KS Lê Thị Hà Phương làm chủ nhiệm Dự án.
Tham dự họp Hội đồng có Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở KH&CN - Chủ tịch Hội đồng và các thành viên gồm: Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đăk Hà và đại biểu khách mời.
Sau 2 năm triển khai thực hiện dự án (từ tháng 10/2016-10/2018), Cơ quan chủ trì, chủ nhiệm dự án đã triển khai thực hiện đầy đủ về nội dung theo thuyết minh, hợp đồng đã ký kết. Cụ thể như sau:
Về công tác đào tạo, tập huấn: Đã phối hợp với Viện Môi trường Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp) - Tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ đào tạo 4 cán bộ kỹ thuật là thành viên thực hiện dự án về kỹ thuật sản xuất chế phẩm vi sinh vật và sử dụng chế phẩm vi sinh vật xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón. Phối hợp với các phòng, ban các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã Hà Mòn, Đăk Mar, thị trấn Đăk Hà huyện Đăk Hà, xã Sa Loong huyện Ngọc Hồi, xã Đăk Long huyện Kon Plông và xã Đoàn Kết thành phố Kon Tum tổ chức tập huấn cho 280 nông dân về kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh vật đa chức năng để xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón.
Về công tác chuyển giao công nghệ: Viện Môi trường Nông nghiệp đã chuyển giao 2 quy trình công nghệ: (1) Sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng; (2) Xử lý phụ phế phẩm nông nghiệp làm phân bón. Trung tâm đã tiếp nhận và làm chủ được các quy trình công nghệ.
Về xây dựng mô hình:
Mô hình sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng phù hợp với điều kiện tại địa phương: Đã sản xuất 2000 kg chế phẩm dạng bột, mật độ tế bào các chủng vi sinh vật đạt 108 CFU/g, hoạt tính sinh học đảm bảo trong thời gian bảo quản 3 tháng.
Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vật đa chức năng để xử lý phụ phế phẩm nông nghiệp làm phân bón: Đã phối hợp với các xã tiến hành khảo sát chọn hộ để tham gia xây dựng mô hình; hỗ trợ chế phẩm, một số nguyên vật liệu cần thiết và trực tiếp hướng dẫn cho 26 hộ dân xây dựng mô hình xử lý 80 tấn phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón (vỏ cà phê, phân chuồng...).
Sau khi nghe Chủ nhiệm dự án trình bày tóm tắt kết quả thực hiện dự án, các thành viên hội đồng thảo luận, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện và chấm điểm và xếp loại dự án. Kết quả đánh giá của hội đồng: Đạt.
(Sở KH&CN Kon Tum)