Dự án thứ hai giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực an toàn hạt nhân đã được thực hiện đúng tiến độ và đáp ứng các mục tiêu đặt ra ban đầu.
Ngày 4/4/2019, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS) phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức công bố báo cáo kết quả của Dự án VN3.01/13 “Tăng cường năng lực và tính hiệu quả của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Cục”.
Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam;bà Christina Thormaehlen, Giám đốc Dự án An toàn và Thanh sát hạt nhân, Ủy ban Châu Âu; cùng các chuyên gia châu Âu và đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam.
Đây là dự án thứ hai nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực an toàn hạt nhân theo Chương trình Hợp tác về an toàn hạt nhân của Liên minh Châu Âu (INSC). Dự án trước đó thực hiện từ năm 2012-2015 tập trung vào việc nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của cơ quan pháp quy VARANS.
Theo bộ trưởng Chu Ngọc Anh, "Dự án lần này là sự tiếp nối cần thiết, kế thừa được những thành quả của việc hợp tác giai đoạn trước và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các cơ quan pháp quy về hạt nhân của Việt Nam".
Mục tiêu chính của sự hợp tác Việt Nam - EU lần này bao gồm tiếp tục nâng cao năng lực của Cục VARANS và mở rộng thêm về xây dựng tính hiệu quả cho các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật (TSOs) của Cục trong việc quản lý an toàn hạt nhân theo tiêu chuẩn và thực hành quốc tế của EU. Dự án VN3.01/13 diễn ra trong 3 năm từ tháng 5/2016 đến tháng 4/2019 với tổng số tiền tài trợ từ đối tác châu Âu là 2 triệu Euro.
Do chiến lược phát triển điện hạt nhân của Việt Nam có sự thay đổi (theo Nghị quyết số 31/2016 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận), dự án của VARANS và EU đã điều chỉnh một số nội dung để phù hợp với tình hình mới, cụ thể định hướng lại mục tiêu từ an toàn hạt nhân cho "nhà máy điện hạt nhân" sang việc xây dựng cho "lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và các ứng dụng có liên quan".
Ba khía cạnh chính được tập trung trong dự án là an toàn lò phản ứng nghiên cứu (Research Reactor – RR); chuẩn bị và ứng phó sự cố; và các chính sách, chiến lược và an toàn quản lý chất thải phóng xạ.
Hơn 50 chuyên gia EU và khoảng 270 nhân viên, cán bộ của Việt Nam đã tham gia dự án này bằng nhiều hình thức hợp tác như tổ chức 16 workshop làm việc, 1 khóa huấn luyện tổng thể, 6 báo cáo tiến độ cụ thể, các buổi họp gặp mặt các bên và 7 khóa đào tạo thực tế (On-the-job training) kéo dài 9 tuần tại các cơ sở nghiên cứu và tổ chức quản lý về hạt nhân ở Pháp, Đức, Bỉ, Phần Lan…
Dựa trên mục tiêu đề ra, dự án đã được thiết kế thành 06 nhiệm vụ kỹ thuật khác nhau, bao trùm nhiều vấn đề cốt yếu trong chuỗi quản lý an toàn hạt nhân.
Theo báo cáo của VARANS và các trưởng nhiệm vụ từ Ủy ban Châu Âu (EC), tính đến thời điểm 4/2019, tất cả các hoạt động đề ra đã được thực hiện đúng tiến độ và đáp ứng các mục tiêu đặt ra ban đầu.
Các chuyên gia EC đã hỗ trợ xem xét và cùng VARANS đóng góp ý kiến cho một số văn bản pháp lý, bao gồm 2 dự thảo thông tư về yêu cầu an toàn hạt nhân trong thiết kế lò phản ứng nghiên cứu RR và định dạng, nội dung báo cáo phân tích an toàn của lò phản ứng nghiên cứu (dự kiến sẽ được đệ trình vào cuối năm 2019), các sửa đổi nội dung cho Luật Năng lượng nguyên tử, và Dự thảo Kế hoạch chi tiết nhằm ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia.
Theo báo cáo, VARANS đã bước đầu xây dựng được Hệ thống quản lý tích hợp theo chuẩn mực quốc tế. Hiện Cục đang xây dựng một dự án nội bộ để tiếp tục hoàn thiện chiến lược hệ thống trong vòng 3-5 năm tới.
Đối với việc quản lý an toàn kỹ thuật, các cán bộ của VARANS và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã tham gia đào tạo tại Hà Nội và thực hành thanh tra 1 lò phản ứng tại Pháp cùng 1 cơ sở quản lý chất thải ở Phần Lan để có thực hành tính toán thông số cụ thể liên quan đến đánh giá và nhận diện các mối nguy cơ từ cả bên trong và bên ngoài có ảnh hưởng đến Việt Nam, cũng như các quy trình ứng phó với sự cố khẩn cấp và quản lý chất thải phóng xạ một cách an toàn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia EU đã hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tri thức về các phương pháp kỹ thuật được sử dụng trong hoạt động thanh sát hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Hệ thống quốc gia về Kế toán và Kiểm soát vật liệu hạt nhân (SSAC).
Dự án cũng giúp VARANS hoàn thiện các chiến lược và quy trình truyền thông đại chúng đối với những vấn đề liên quan đến an toàn hạt nhân. Điều này nhằm đảm bảo tính rõ ràng của các quy định, luật lệ về an toàn hạt nhân cũng như trách nhiệm cung cấp thông tin thường xuyên, sự tham gia và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan.
Thành quả không kém phần quan trọng của dự án là góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ quản lý Việt Nam, đồng thời hỗ trợ VARANS hoàn thiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực về vấn đề quản lý an toàn hạt nhân cũng như các chương trình đào tạo bền vững để lấp đầy các khoảng trống nhân lực hiện có.
Hiện nay, việc ứng dụng hạt nhân ở Việt Nam đang ngày càng mở rộng tại các lĩnh vực y tế, môi trường, nông nghiệp…, đặc biệt với việc chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (RCNEST) vào giữa tháng 11/2018, thì những yêu cầu về chất lượng và số lượng nhân lực cho ngành hạt nhân sẽ ngày càng được nâng lên.
Do vậy, với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng VARANS, cho rằng việc xây dựng nhân lực quản lý vững vàng – trong đó có những người có kinh nghiệm hợp tác quốc tế và thực hành thực tiễn tại các quốc gia có quy trình hạt nhân tiên tiến – là điều cần thiết cho quá trình điều hành các chương trình hạt nhân.
Kết thúc dự án, Trưởng ban hợp tác, phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Koen Duchateau cho rằng, với thành quả của dự án hợp tác lần này, EU và Việt Nam còn rất nhiều lĩnh vực mở rộng có thể hợp tác, không chỉ về an toàn hạt nhân dân sự.
Ông khuyến khích Việt Nam tham gia vào một số chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật với EU như chương trình phát triển định vị vệ tinh Galileo (nhằm cạnh tranh với hệ thống GPS do Mỹ kiểm soát), chương trình quan sát trái đất Copernicus hoặc những dự án về phát triển năng lượng tái tạo.