Hơn 200 học giả trong và ngoài nước đã có mặt tại Hội nghị quốc tế về Địa kỹ thuật – Công trình – Kết cấu (CIGOS) để thảo luận về các vấn đề địa kỹ thuật, xây dựng, môi trường liên quan đến phát triển bền vững cơ sở hạ tầng.
Tại Việt Nam, các vấn đề về cơ sở hạ tầng như giao thông, cấp thoát nước, xây dựng… luôn là chủ đề nóng hổi, đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Với tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng diễn ra nhanh thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình, an toàn và thân thiện với môi trường càng trở nên cần thiết và được quan tâm mạnh mẽ trên các diễn đàn khoa học công nghệ.
Ở tầm quốc tế, ngày càng có nhiều nước quan tâm đến việc phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. “Việt Nam chính là một bài toán rất khó mà ngay cả các nước phát triển đang gặp phải vấn đề cũng chưa chắc đã có một giải pháp cụ thể gợi ý cho Việt Nam”, TS. Hà Minh Cường, Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Phó giáo sư Trường Đại học sư phạm Paris-Saclay (Pháp), đồng trưởng ban tổ chức Hội nghị quốc tế về Địa kỹ thuật – Công trình – Kết cấu (CIGOS) năm 2019, chia sẻ. “Nhưng chính vì thế càng phải có những cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước. Các nhà khoa học trong nước hiểu các vấn đề của Việt Nam, trong khi các nhà khoa học thế giới thì làm chủ công nghệ của họ”.
TS. Hà Minh Cường cũng cho rằng ngay trong giới khoa học, sự nhận thức về vấn đề phát triển bền vững cũng chưa thực rõ ràng. Do đó trao đổi nâng cao hiểu biết giữa các nhà khoa học là điều cần thiết, trước khi có thể đưa các kết quả nghiên cứu đó vào quá trình tham vấn chính sách cho các cấp bộ, ngành và người dân hiểu rõ.
Bên cạnh đó,
hội thảo CIGOS 2019 nhấn mạnh vai trò thiết yếu của đổi mới và công nghệ trong thiết lập kế hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng. Hội thảo cũng hướng tới mục đích thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp.
Năm nay, Hội nghị CIGOS lần thứ 5 với chủ đề “Innovation for Sustainable Infrastructure” (Đổi mới để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững) được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 31/10-1/11/2019 do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) và Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (UTT) phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Giao thông vận tải (MOT) và Trường Đại học Sư phạm Paris-Saclay (ENS Paris-Saclay) của Pháp.
Các nội dung chính của Hội nghị bao gồm: Đặc tính hóa và mô hình hóa nâng cao kết cấu; Vật liệu và kỹ thuật xây dựng bền vững; Đô thị bền vững và thông minh; Địa kỹ thuật cho Môi trường và năng lượng; Quy hoạch đô thị, giao thông và môi trường; Khai thác dữ liệu và máy học; Mô hình thông tin xây dựng.
Đã có trên 200 các học giả, nhà khoa học đến từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Theo BTC, các bài báo cáo trong hội thảo đã được xét duyệt bởi ít nhất hai chuyên gia có liên quan trong hội đồng khoa học quốc tế.
Sau hội thảo, tổng cộng 201 bài viết kỹ thuật, gồm 6 bài giảng chính, sẽ được xuất bản điện tử bởi Springer và được SCOPUS chỉ mục.
Phiên bản
ấn phẩm hội thảo CIGOS 2017, với lượng bài viết bằng khoảng 50% so với năm nay, đã có gần 94.000 lượt tải xuống và nằm trong số 25% sách điện tử được tải xuống nhiều nhất thuộc chuyên ngành này của Springer.
Cũng trong dịp này, GS. TS. Hojjat Adeli - Trường Đại học Bang Ohio (Hoa Kỳ), Tổng biên tập Tạp chí Computer-Aided Civil and Infrastructure Engineering (CACAIE) và Tổng biên tập Tạp chí Integrated Computer-Aided Engineering (ICAE), đã được trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải trao bằng Tiến sĩ danh dự.