- Giai đoạn 1 từ ngày ban hành chỉ thị đến ngày 31/12/2019 sẽ tổ chức thông báo đến mọi tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm về chủ trương của thành phố về loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt và kinh doanh.
- Giai đoạn 2 từ ngày ban hành chỉ thị đến ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm chuyển đổi từ việc sử dụng than, bếp than tổ ong sang các loại bếp khác an toàn và thân thiện với môi trường hơn. Đồng thời, ở giai đoạn này các cơ quan ban ngành của Hà Nội cũng sẽ triển khai các giải pháp quản lý và kiểm soát nhằm chấm dứt việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.
- Giai đoạn 3 từ ngày 1/1/2021 các cơ quan chức năng sẽ áp dụng nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử phạt hành chính với các hành vi sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2021, người dân Hà Nội sẽ không được sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nữa và nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của chính phủ. Hà Hội cũng sẽ xây dựng tiêu chí thi đua để biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này. Đồng thời, thành phố cũng sẽ lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân nhằm xử lý các vi phạm.
Không chỉ vậy, các cơ quan ban ngành sẽ sớm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cung cấp sản phẩm bếp an toàn, thân thiện với môi trường. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong cũng sẽ được hỗ trợ để chuyển đổi nghề.
Thực tế từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của bếp than tổ ong với môi trường. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại thành phố mới chỉ giảm được khoảng 30% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017.
Thống kê của thành phố Hà Nội thời gian gần đây cho thấy việc đun bếp than tổ ong của người dân là 1 trong 12 nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Mai Trọng Thái (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết Hà Nội có hơn 55.000 bếp than tổ hong, trung bình mỗi ngày toàn thành phố tiêu thụ hơn 528 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào không khí.
Theo điều 4, nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị 1 trong 2 hình thức xử phạt gồm: cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa tới 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.