Phát triển du lịch nóng, thiếu sự tham gia của người dân bản địa, ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái và còn thiếu đánh giá “sức tải” môi trường ở nhiều địa phương trong những năm gần đây đã để lại những hệ quả rất khó khắc phục.
Những bài học đó làm dấy lên câu hỏi liệu mô hình phát triển như thế nào để vừa có khả năng đảm bảo kinh tế vừa đáp ứng được đòi hỏi bền vững và bảo tồn các giá trị di sản. Các nhà khoa học và nhà quản lý có thể thay đổi hiện trạng này như thế nào?
Cách Hà Nội chỉ hơn một giờ chạy xe ô tô, Hòa Bình cũng là một tỉnh đang muốn đẩy mạnh ngành công nghiệp không khói này. Khu vực hồ thủy điện Hòa Bình có nhiều nguồn tài nguyên du lịch nổi bật với phong cảnh hữu tình, hệ sinh thái đặc sắc được ví như “Hạ Long trên núi”, các di tích khảo cổ tiêu biểu cho nền văn hóa tiền sử Hòa Bình và cộng đồng cư dân các dân tộc như Mường, Thái, Tày, Dao… đa dạng bản sắc. Nơi đây cũng được quy hoạch trở thành một trong 12 Khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và số doanh nghiệp muốn khai thác du lịch ngày càng tăng. Nhưng phát triển du lịch như thế nào để không ảnh hưởng tới Hồ thủy điện Hòa Bình, vốn đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và là hồ chứa cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu nông nghiệp và góp phần điều tiết lũ lụt cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng?
Việc điều hòa được yêu cầu về an ninh-môi trường với nhu cầu du lịch ngày càng tăng, không làm cạn kiệt tài nguyên hoặc gây ô nhiễm, đặc biệt là bảo tồn được tính đa dạng của các di sản văn hóa và vẫn chia sẻ những lợi ích thu được từ du lịch với cộng đồng địa phương là điều không dễ dàng. Nó đòi hỏi cần có những nghiên cứu toàn diện nhằm đưa ra cơ sở khoa học cho việc thực thi quy hoạch và thiết lập quy tắc hợp lý cho các bên tham gia. Đó là nhiệm vụ mà các nhà khoa học đã kết hợp với nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương cùng tìm lời giải trong hai năm (2017-2019) thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình phục vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cho phát triển bền vững du lịch vùng lòng hồ Hòa Bình”1.
Chia sẻ lợi ích với cộng đồng
Du lịch cộng đồng đã bắt đầu xuất hiện ở khu vực hồ Hòa Bình từ những năm 1980 và phát triển nở rộ trong vòng vài năm trở lại đây. Với đặc trưng văn hóa Mường, tại Hòa Bình đã có một số bảo tàng như Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường... nhưng chủ yếu vẫn mang tính chất sưu tập, trưng bày chuyên môn. Để đa dạng hóa hơn các mô hình bảo tàng, đề tài đã đề xuất mô hình bảo tàng mới - “Bảo tàng sinh thái cộng đồng Mường”, đặt ngay trong lòng các làng làm du lịch của người Mường, biến người dân trở thành lực lượng kiến tạo và duy trì bảo tàng. Du khách đến thăm “bảo tàng” có thể cùng tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày với người dân thông qua các hoạt động như làm nghề thủ công truyền thống, trồng trọt, đánh bắt cá, thực hành các nghi lễ, biểu diễn văn nghệ, nấu ăn… trong không gian bản làng.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, không phải bản làng nào thực hành du lịch cộng đồng cũng thành công. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân thất bại chủ yếu đến từ việc thiếu mô hình quản lý phù hợp. “Du lịch bền vững luôn phải gắn với việc tạo ra sinh kế và chia sẻ lợi ích công bằng cho người dân tham gia. Một mô hình quản lý tốt cho phép cộng đồng chủ động tham gia và nhận được hỗ trợ từ các bên liên quan”, chủ nhiệm đề tài TS. Hoàng Thị Thu Hương, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN nói và cho biết họ đã đề xuất “Mô hình quản lý vận hành du lịch cộng đồng” nhằm phục vụ cho ý tưởng bảo tàng sinh thái cộng đồng trên.
Mô hình quản lý này có sự tham gia của chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương. Theo chiều dọc gồm 3 cấp: ban quản lý (phụ trách điều hành chung, hỗ trợ pháp lý, xây dựng quy chế làm việc thống nhất), ban chuyên môn (hỗ trợ tư vấn, đào tạo nhân lực, tìm kiếm và phân bổ nguồn khách, chuẩn hóa chuỗi dịch vụ ...) và các tổ kỹ thuật (tổ ẩm thực, văn nghệ, hàng lưu niệm, hướng dẫn viên, vận chuyển, lưu trú…). Tùy điều kiện tài chính, nhân lực, vật lực, từng hộ gia đình người dân địa phương có thể tham gia vào một hoặc vài tổ kỹ thuật phù hợp để đều được hưởng lợi từ du lịch – tránh việc chỉ một vài hộ, hay công ty du lịch có tiềm lực kinh tế làm tất cả công việc trong chuỗi giá trị như thấy ở nhiều nơi. Đề tài mong muốn kết hợp ý tưởng bảo tàng sinh thái cộng đồng trên gắn với các mô hình du lịch cộng đồng ven hồ như: xóm Ngòi (Tân Lạc), xóm Đá Bia, xóm Sưng, xóm Ké, xóm Mó Hém (Đà Bắc)…
Để đảm bảo việc phát triển du lịch bền vững tại địa phương, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử và hướng dẫn phát triển du lịch bền vững vùng lòng hồ Hòa Bình trên cơ sở thảo luận với tất cả các bên liên quan tại đây như chính quyền các xã, huyện, tỉnh; doanh nghiệp; người dân, du khách trong và ngoài nước. Các quy tắc này hướng đến việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý; bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước; phát triển du lịch nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, đồng thời thu hút sự tham gia và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Ngoài những nguyên tắc chung trên còn có những quy tắc riêng dành cho từng bên như chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, vận tải lòng hồ, điểm mua sắm,…Việc tập hợp được sự tham gia của 4 bên (nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng người dân) ngay từ giai đoạn đầu đã góp phần đảm bảo cho các nhóm đều có tiếng nói trong việc xây dựng các quy tắc và hiểu được những đòi hỏi về phát triển bền vững.
Tính toán sức tải du lịch
Bên cạnh hợp phần du lịch cộng đồng – với tiêu chí quan trọng là đảm bảo tính tham gia, quyền lợi của người dân địa phương, thì đa phần các khu du lịch đều mong muốn phát triển các hợp phần khác để tăng doanh thu. Tuy nhiên kết hợp như thế nào và ngưỡng tải bao nhiêu để không làm cạn kiệt tài nguyên và gây ảnh hưởng môi trường là bài toán quan trọng.
Hiện nay, khu vực hồ Hòa Bình đã có sẵn một số sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch cuối tuần và du lịch tham quan-khám phá. Trên cơ sở điều tra khảo sát và đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tại địa phương, đề tài nghiên cứu đã gợi ý xây dựng thêm một số mô hình sản phẩm mới nhằm phát huy các giá trị tài nguyên du lịch khác của địa phương như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch khoa học gắn với di sản văn hóa và thiên nhiên như thăm quan bảo tàng tiền sử, bảo tàng thủy điện, bảo tàng sinh thái cộng đồng Mường, bảo tàng địa chất…
Thông qua việc đánh giá sức chứa du lịch, đánh giá các tác động môi trường - kinh tế - xã hội,...nhóm nghiên cứu đã xây dựng được những kịch bản phát triển và quy hoạch chi tiết về tổ chức không gian và phân khu du lịch cho vùng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng để duy trì lượng khách vừa phải khiến không một nguồn lực nào bị cạn kiệt hoặc chịu chịu sức ép quá lớn mà vẫn đảm bảo doanh thu, khu vực hồ Hòa Bình cần phát triển các loại hình du lịch thực sự cao cấp với quy trình chất lượng tốt.
Còn những loại hình dễ thực hiện như du lịch tâm linh, dù khá nổi tiếng ở đây, nhưng có một số hạn chế như: mang tính mùa vụ cao (chỉ tập trung chủ yếu vào dịp sau Tết), sức chứa du lịch của các đền ven hồ thấp, thời gian lưu trú của du khách ngắn. Vì vậy loại hình du lịch này nên được kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng hoặc du lịch cộng đồng để giảm sức tải cho các điểm du lịch tâm linh, kéo dài thời gian lưu trú của du khách và tăng doanh thu du lịch.
Hiện nay, đa số các địa phương làm du lịch trong nước đều có một vài sản phẩm chủ yếu, nhưng chính sự rời rạc, thiếu liên kết thành mạng lưới khiến việc giữ chân du khách trở nên khó khăn. Nhiều khu du lịch đã bị phá vỡ bởi tư duy ăn xổi, phát triển tràn lan chạy theo số lượng. Năm 2018, trung bình cả nước đón 95,6 triệu lượt khách, tương đương 0,99 du khách/người dân, trong khi đó ước tính huyện Sapa có trên 2,4 triệu lượt khách du lịch, gấp 40 lần số dân của huyện (khoảng 60.000 người, số liệu năm 2016). Áp lực này tương đương với những khu vực quá tải hàng đầu thế giới, khiến không chỉ người dân địa phương mà cả cơ quan quản lý cũng có phần lúng túng trong việc đưa ra những phương án phát triển hài hòa.
“Trước khi điểm di sản được xúc tiến hoặc phát triển để mở rộng du lịch, các kế hoạch quản lý phải đánh giá được giá trị tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa tại nơi đây ; thiết lập được các giới hạn thay đổi thỏa đáng có thể chấp nhận được, nhất là về tác động của lượng khách tham quan lên các đặc điểm đặc trưng của di sản, tính toàn vẹn, sinh thái và đa dạng sinh học, khả năng tiếp cận địa phương, hệ thống giao thông vận tải, và những phúc lợi kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng địa phương. Nếu mức độ thay đổi không thể chấp nhận được thì đề xuất phát triển đó cần phải được điều chỉnh”, theo Điều 2.6, Công ước quốc tế về Du lịch văn hóa trong việc quản lý du lịch ở những nơi có di sản quan trọng (ICOMOS, 1999)
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra những hệ lụy đáng ngại. Điển hình là đảo Boracay - một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Philippines, đón tiếp trên 1,7 triệu khách mỗi năm - mới bị chính thức đóng cửa 6/2018 để xử lý tình trạng ô nhiễm biển do quá tải du lịch. Đầu năm 2019, hòn đảo mở cửa trở lại với các hoạt động và hạ tầng du lịch được quản lý khắt khe hơn, nhưng đã chịu tổn thất ước tính là 0,4 - 1,6 tỉ USD cho nền kinh tế Philippines.
Nếu không muốn lặp lại, Hòa Bình sẽ phải nhanh chóng chọn cách làm khác. Về mặt tổng thể, sức chứa du lịch của vùng lòng hồ Hòa Bình tối đa ước tính khoảng 76,5 nghìn khách/ngày. Đề tài cũng tính toán thêm sức chứa cho một số điểm du lịch cụ thể. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng và bảo tàng sinh thái cộng đồng Mường nếu được đặt tại xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc có thể đón 512 khách/ngày để đảm bảo các hoạt động không gây ảnh hưởng đến môi trường sống và nằm trong khả năng quản lý của cộng đồng. Với ngưỡng kiểm soát như thế, cộng đồng cần tập trung tăng cường các dịch vụ cho du khách trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú thay vì gia tăng số lượng khách.
Bên cạnh đó, các chuyên gia môi trường cũng đã nghiên cứu đề xuất giải pháp cung cấp nước sạch và công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt (dạng rắn và lỏng) cho khu du lịch lòng hồ. Nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý và quảng bá du lịch địa phương, đề tài cũng xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, cơ sở hạ tầng du lịch ; xây dựng hình ảnh khu vực lòng hồ Hòa Bình trước và sau khi có đập thủy điện từ tư liệu viễn thám (ảnh máy bay và ảnh vệ tinh); và WebGIS (http://hblake.cargis.org). Những dữ liệu được số hóa đầy đủ là nền tảng quan trọng để các bên liên quan tiếp cận dễ dàng.
Theo TS. Vũ Kim Chi, trong tương lai nếu có các nghiên cứu tiếp nối hoặc được doanh nghiệp hay nhà quản lý tiếp quản đầu tư, thì hệ thống cơ sở dữ liệu này có thể thiết kế thành các ứng dụng máy tính, điện thoại thông minh cho phép cộng đồng và khách du lịch tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn; hoặc thậm chí tạo ra các gói du lịch thực tế ảo (VR) tham quan tại chỗ.
Chuyển giao kết quả
Bộ qui tắc phát triển du lịch bền vững và WebGIS đã được tiến hành tham vấn ý kiến của Sở Văn hóa-thể thao-du lịch Hòa Bình và các bên liên quan để hoàn thiện. Được biết, Sở sẽ sẵn sàng tiếp nhận những sản phẩm này sau khi đề tài nghiệm thu cấp Nhà nước để đưa vào khai thác, phát hành.
Trong năm 2019, nhóm nghiên cứu đã tổ chức hai khóa đào tạo tập huấn cho Hòa Bình, đồng thời xây dựng một bộ tài liệu giới thiệu về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa khu vực hồ Hòa Bình và một bộ tài liệu cho cộng đồng địa phương về du lịch cộng đồng, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và qui tắc ứng xử văn minh du lịch. Các nhà khoa học cũng cho biết các phương pháp trong nghiên cứu này có khả năng nhân rộng ra những khu vực tương tự (hồ thủy điện ở Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang…) trong việc xây dựng hệ thống thông tin địa lý, các mô hình du lịch bền vững, mô hình quản lý hay bộ quy tắc ứng xử chung.
Chú thích:
1. Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013- 2018 phục vụ sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (IVIDES) chủ trì, phối hợp cùng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS), Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình và Công ty Cổ phần đầu tư Du lịch Hòa Bình.