Sáng Chủ nhật 17/9, rất nhiều học sinh tụ tập dưới ánh nắng để chiêm ngưỡng vết đen Mặt trời qua kính thiên văn tại khuôn viên Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
“Ôi có đốm đen trên mặt trời thật mẹ ạ!”, một học sinh Trường THCS Archimedes (Hà Nội) khoe với mẹ trong khi đang nhìn kính thiên văn.
Đây là một trong các hoạt động trải nghiệm chính của sự kiện Bật chế độ bay lên nhằm truyền thông cho cuộc thi Bay vào vũ trụ - giải đấu sẽ trở thành thường niên trong khuôn khổ Ngày hội STEM Việt Nam kể từ năm nay.
Với sự hướng dẫn của Trung tâm Giáo dục Trải nghiệm Astrokids, các học sinh đã có cơ hội ngắm nhìn hành tinh trung tâm trong Hệ Mặt trời, cách Mặt trời chuyển động và có thêm những kiến thức phong phú về thiên văn học.
Tại sự kiện, các chuyên gia tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã giới thiệu với học sinh, giáo viên, phụ huynh mô hình mô phỏng vệ tinh, qua đó truyền tải thông tin về cấu tạo, cách thức hoạt động của một vệ tinh trong vũ trụ.
Để học sinh có được cái nhìn gần gũi hơn, các thầy, cô giáo tại Học viện Sáng tạo S3 đã tổ chức cuộc đua chế tạo mô hình tên lửa giấy, hướng dẫn học sinh sáng tạo một chiếc tên lửa bằng giấy cho riêng mình.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Veer đã chuẩn bị và mang đến cho các em chương trình trải nghiệm không gian vũ trụ qua kính thực tế ảo. Các em được du hành đến tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời và được tìm hiểu thông tin về mỗi hành tinh thông qua thuyết minh bằng giọng nói.
Tất cả những hoạt động đó, theo TS. Đặng Văn Sơn - nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3, đồng trưởng ban tổ chức Ngày hội STEM Việt Nam 2023 - “sẽ truyền cảm hứng cho học sinh Tiểu học và THCS Việt Nam về khoa học và công nghệ vũ trụ".
Tại sự kiện, TS. Đặng Văn Sơn đã đại diện BTC công bố thông tin, thể lệ cuộc thi Bay vào vũ trụ - Vietnam Water Rocket Competition VWRC 2023 với chủ đề “Việt Nam bứt phá tầm cao”. Theo đó, cuộc thi năm nay gồm hai bảng đấu:
(1) Bảng Tiểu học (VNRocket: Chinh phục tầm cao) dành cho học sinh 8 – 10 tuổi (lớp 3 – lớp 5). Các đội thi phải bắn tên lửa từ vị trí bắn (vị trí đặt bệ phóng) và rơi vào vòng tròn mục tiêu cách vị trí bắn 50m. Vòng tròn mục tiêu sẽ có các mức điểm khác nhau tại vị trí điểm rơi của tên lửa.
(2) Bảng THCS (VNRocket: Thách thức giới hạn) dành cho học sinh 11 – 15 tuổi (lớp 6 – lớp 9). Các đội thi thiết kế một tên lửa bên trong mang một thiết bị có chức năng giống như vệ tinh. Vệ tinh mô phỏng này bao gồm cảm biến có thể ghi lại các giá trị môi trường tùy chọn tại điểm cao mà tên lửa tới được (ví dụ: nhiệt độ, độ ẩm, áp suất…). Tên lửa được phóng lên bằng bệ phóng tên lửa nước do BTC cung cấp tại sân thi đấu. Vì mang theo vệ tinh, nên tên lửa sau khi phóng lên phải trở về mặt đất an toàn.
Tham gia cuộc thi, học sinh sẽ có cơ hội được đào tạo, tìm hiểu về tên lửa và tên lửa nước; thiết kế, chế tạo và phóng mô hình tên lửa nước; được học tập và làm việc với những chuyên gia hàng đầu về công nghệ vũ trụ của Việt Nam, có thêm cơ hội để tìm hiểu về ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam và thế giới.
“Chúng tôi hy vọng cuộc thi sẽ giúp các em làm quen với khoa học vũ trụ và thiên văn học, đặc biệt trong bối cảnh Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có những học phần liên quan đến hai mảng này”, TS. Đặng Văn Sơn chia sẻ với KH&PT bên lề sự kiện.
BTC nhận đăng ký từ nay đến 23/9. Vòng Chung kết của cuộc thi sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội STEM vào ngày 8/10 tại Đại học Bách khoa Hà Nội