Ngày 20/9, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, Hà Nội, cho biết vừa thực hiện thành công ca đại phẫu cho bệnh nhân 19 tuổi mắc ung thư xương với khối u khổng lồ trên 20 cm nằm ở vị trí rất hiếm gặp, với nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân N.V.H [tên bệnh nhân đã được thay đổi] được các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec phát hiện khối u khổng lồ nằm ở vị trí vùng tiểu khung sàn chậu rất hiếm gặp. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam chỉ có 5 – 10 ca, chiếm khoảng 5% số ca bệnh ung thư xương.

Trước đó, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu tê bì vùng xương chậu gây hạn chế vận động, dáng đi bất thường. Bệnh nhân đã đi thăm khám tại rất nhiều cơ sở y tế nhưng đều nhận được chẩn đoán chấn thương nhẹ phần mềm do chơi thể thao, dù khối u đã lồi ra ngoài, chèn ép các tạng tiểu khung, gây phù nề và gây teo các cơ xung quanh.

Sau khi tiến hành hội chẩn cho bệnh nhân, Hội đồng ung thư của Vinmec Times City đã quyết định phẫu thuật triệt căn khối u, xét bổ trợ sau mổ.

GS Trần Trung Dũng (trái) và PGS Phạm Đức Huấn - hai trong số các bác sĩ chính tham gia mổ - trao đổi về phương án phẫu thuật cho ca bệnh.
GS Trần Trung Dũng (trái) và PGS Phạm Đức Huấn - hai trong số các bác sĩ chính tham gia êkíp mổ - trao đổi về phương án phẫu thuật cho ca bệnh. Nguồn: Vinmec

Với trường hợp này, nếu phẫu thuật, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ do khối u được cung cấp bởi hệ thống mạch máu lớn và phức tạp, bệnh nhân có thể mất tới 10 lít máu. Việc tiếp cận khối u cũng là một thách thức do khối u đã chèn ép lên các cơ quan trọng yếu như hệ tiêu hoá, tiết niệu, cột sống, khung chậu, mạch máu. Trong quá trình phẫu thuật, nếu khối u chảy máu nhiều sẽ dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát khi không bộc lộ rõ được khối u và các thành phần liên quan. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật, bệnh nhân sẽ đối mặt với khả năng teo cơ chân trái, đe dọa trực tiếp tới tính mạng.

Ngay sau có quyết định của Hội đồng ung thư, Bệnh viện đã lập kế hoạch phẫu thuật với sự tham gia của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên hơn 30 người.

Vào ngày phẫu thuật, các bác sĩ tim mạch, tiêu hoá, tiết niệu tham gia mổ thì đầu. Các bác sĩ mạch máu tiến hành thắt mạch khi khối u chảy máu dữ dội. Các chuyên gia tiết niệu phẫu tích giải phóng bàng quang, tiết niệu ra khỏi khối u. Chuyên gia tiêu hoá phẫu tích bảo vệ đường tiêu hoá.

BSCKII bác sĩ Phạm Trung Hiếu - Trưởng khoa Phẫu thuật Chậu hông tại Trung tâm Y học chỉnh hình và Thể thao Vinmec, người phụ trách bộ môn Chấn thương chỉnh hình và phòng nghiên cứu 3D của Đại học VinUni - cho biết thêm, mô hình in 3D đã giúp êkip phẫu thuật chính xác, giảm thiểu tổn thương cho người bệnh. “Với mô hình 3D, các phẫu thuật viên sẽ có cái nhìn trực quan về khối u để tiến hành phẫu thuật. Bên cạnh đó, mô hình này giúp cho người nhà và bệnh nhân tham gia vào quá trình điều trị bệnh, tin tưởng vào quyết định phẫu thuật do có hình ảnh minh họa rất rõ ràng và được các bác sĩ phân tích rất kỹ lưỡng. Đặc biệt, với mô hình 3D, các bác sĩ có thể tiến hành mổ thực nghiệm – mổ ảo trên mô hình để tiên lượng trước khó khăn và đưa phương án mổ hợp lý,” ông nói.

Bác sĩ Phạm Trung Hiếu cùng mô hình in 3D
Bác sĩ Phạm Trung Hiếu cùng mô hình in 3D khối u. Nguồn: Vinmec

Vinmec cũng là một trong những bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ in 3D.

Cuộc đại phẫu kéo dài 8 tiếng và kết thúc thành công như mong đợi. Sau 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại, sinh hoạt bình thường. Với tốc độ hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân được ra viện ngày 20/9, một tuần sau cuộc đại phẫu.

Theo PGS.TS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật – Tiết niệu, Vinmec Times City, một bác sĩ chính trong êkip mổ, "Đây là một ca đại phẫu kéo dài và cực kì phức tạp... Với trường hợp hiếm gặp như thế này, ở trên thế giới chỉ có một số trung tâm chuyên sâu có thể tiến hành phẫu thuật. Tại Việt Nam, sẽ rất hiếm bệnh viện có thể sẵn sàng nhân lực, thiết bị để xử lý khối u cũng như áp dụng chương trình phục hồi sớm sau mổ giúp bệnh nhân có thể xuất viện chỉ sau một tuần."