Sáng 12/06, Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Môi trường - ĐH Bách khoa Hà Nội đã phối hợp với Công ty TNHH NN MTV thoát nước Hà Nội tiến hành lấy mẫu đánh giá tác động môi trường phục vụ công tác nạo vét tại hồ Hoàn Kiếm.

UBND TP Hà Nội vừa giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, lên phương án cải tạo lòng hồ với quy mô lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Việc cải tạo lần này không được làm thay đổi màu xanh đặc trưng của mặt nước hồ Hoàn Kiếm. Viện KH&CN Môi trường sẽ đóng vai trò tư vấn cho việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hồ Hoàn Kiếm và Tổng Công ty Thoát nước Hà Nội là đơn vị chủ nhiệm dự án.

Nhân viên môi trường tiến hành lấy mẫu tại hồ Hoàn Kiếm.

PGS-TS Hoàng Thị Thu Hương - Phó Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường - chia sẻ: "Khoảng 50 năm nay hồ Hoàn Kiếm chưa có một đợt nạo vét nào thật sự quy mô nên đặc tính ô nhiễm rất nghiêm trọng, vì thế Hà Nội đã có chủ trương sẽ tiến hành cải tạo hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên giải pháp nào để cải tạo, triển khai với phương thức nào cần có sự đánh giá rất chi tiết và quan trọng, nhất là phải bảo tồn được giá trị văn hóa cũng như giá trị sinh thái đã tồn tại rất lâu của hồ Hoàn Kiếm".

Trước đó, Viện KH&CN Môi trường đã kết hợp với Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật - Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam tiến hành đánh giá thực trạng của hồ Hoàn Kiếm, bao gồm đánh giá chất lượng nước, chất lượng trầm tích, tình trạng hệ sinh thái trong hồ, các yếu tố ảnh hưởng đến hồ như chất lượng không khí, chất lượng đất nền... để đưa ra thông tin giúp thành phố quyết định các giải pháp tốt nhất cải tạo hồ Hoàn Kiếm.


PGS-TS Hoàng Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường.

"Trước mắt sẽ đánh giá chất lượng nước trên cơ sở lấy mẫu, ngoài ra xác định được trầm tích trong hồ. Đối với hệ sinh thái, sẽ đánh giá về hệ sinh vật, động thực vật đáy, động thực vật nổ, các sinh vật còn tồn tại trong hồ xem mật độ bao nhiêu. Khu vực xung quanh hồ sẽ được tiến hành kiểm tra các mẫu đất, đánh giá chất lượng không khí, chất lượng đất nước ngầm, từ đó đưa ra một số phương án đánh giá khả năng gây tác động. Theo kế hoạch, các công việc này được thực hiện tối đa 30-45 ngày, sau đó gửi các cơ quan có thẩm quyền thụ lý và xin ý kiến các nhà khoa học để phê duyệt" - TS Hương cho biết.