Việc đưa vào thí điểm hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa do Viettel phát triển được đánh giá như một dấu mốc đáng được ghi nhận trong công cuộc chuyển đổi số của ngành y tế và có tiềm năng thay đổi cả hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam.

Bác sĩ chẩn đoán thông qua hình ảnh chụp lồng ngực và phổi được truyền trên hệ thống khám chữa bệnh từ xa | Ảnh: ĐH Y Hà Nội
Bác sĩ chẩn đoán bệnh thông qua phim chụp lồng ngực và phổi được truyền trên hệ thống khám chữa bệnh từ xa | Ảnh: ĐH Y Hà Nội

Sáng 18/4 tại Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) và Bộ Y tế đã khai trương Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa do Viettel phối hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện vệ tinh triển khai thí điểm. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tại buổi thí điểm, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cùng làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) thực hiện hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mạn tính cần đi khám; kết nối với Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh hội chẩn CT để đánh giá những trường hợp đột qụy não nhằm chỉ định điều trị gián tiếp; và kết nối trực tiếp với các bệnh nhân tại trạm y tế xã Quảng Trạch (Thanh Hóa) để thực hiện khám bệnh từ xa.

Từ hội trường Đại học Y Hà Nội, PGS - TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Trưởng bộ môn Tim mạch cũng đã tư vấn trực tiếp cho một bệnh nhân ở nhà riêng tên Đỗ Văn H. (64 tuổi, Hà Nội) về tình hình bệnh tim của ông.

Được biết, hệ thống khám chữa bệnh từ xa tích hợp với bệnh viện này đượcViettel phát triển và đáp ứng đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa mà Bộ Y tế ban hành, gồm:

• Tư vấn y tế từ xa;
• Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;
• Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa;
• Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa;
• Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa;
• Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Khi nền tảng được triển khai, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website; kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin; đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại.

Khai trương hệ thống khám chữa bệnh từ xa ngày 18/4/2020. Trong ảnh là 4 điểm cầu kết nối: VP chính phủ, ĐH Y hà Nội, BV đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) và BV đa khoa TP Hà Tĩnh
Khai trương hệ thống khám chữa bệnh từ xa ngày 18/4/2020. Trong ảnh, 4 điểm cầu được kết nối: VP chính phủ, ĐH Y Hà Nội, BV đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) và BV đa khoa TP Hà Tĩnh |Ảnh: ĐH Y Hà Nội

Tương lai kết nối của hơn 14.000 cơ sở y tế trong nước

“Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều là chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tương lai kết nối của hơn 14.000 cơ sở y tế trong nước.

Đồng quan điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng việc ra mắt nền tảng khám chữa bệnh từ xa không chỉ giải quyết các vấn đề giãn cách xã hội do Covid-19 mà còn là giúp "thay đổi cả hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam."

Ước tính khi triển khai Hệ thống khám chữa bệnh từ xa, xã hội và ngành y tế có thể tiết kiệm được hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm chi phí đi lại, khám chữa bệnh. Bộ TT-TT và Bộ Y tế cũng muốn thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế nhanh hơn, giúp bệnh nhân tăng sự tin tưởng vào tuyến điều trị tại địa phương khi có sự hỗ trợ từ các bệnh viện trung ương.

Trong giai đoạn tiếp theo, Viettel cho biết khi công nghệ 5G tại Việt Nam được phổ cập rộng rãi với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, hệ thống sẽ còn phát triển khả năng thực hiện phẫu thuật từ xa.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện mới khai trương dịch vụ khám chữa bệnh từ xa và chưa triển khai hoạt động chính thức cho người dân đăng kí, nhưng cho biết sẽ sớm thực hiện trong thời gian ngắn nhất.

Cũng trong ngày 18/4, Bộ TT-TT đã giới thiệu ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 mang tên Bluezone, do Memozone, VNPT, MobiFone và Bkav cùng hợp tác phát triển. Ứng dụng sẽ xuất hiện trên App Store và Google Play trong một vài ngày tới.

Để đáp ứng nhu cầu ngành y tế và chuyển đổi số trong ngành y tế, thời gian qua Viettel đã tham gia xây dựng một loạt giải pháp như: Hệ thống tiêm chủng quốc gia, Hệ thống quản lý nhà thuốc, Hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu dược quốc gia, Hệ thống an toàn thực phẩm, Hệ thống bệnh án điện tử, Hệ thống khám chữa bệnh từ xa...

Mục tiêu của các chương trình này là giúp người dân Việt Nam dù ở bất kỳ đâu cũng được hưởng một chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất.