Trong chương trình thí điểm này, Trung tâm Điều hành đặt tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ trình diễn các tình huống khám chữa bệnh từ xa với 4 đầu cầu đại diện cho các vùng miền gồm:
• Điểm cầu Bệnh viện Đa khoa Mường Khương, tỉnh Lào Cai;
• Điểm cầu Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh;
• Điểm cầu tại trạm y tế xã và nhà người bệnh tại thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa;
• Một số điểm cầu ở nhà của người bệnh mạn tính tại Hà Nội.
Các thông số cơ bản về người bệnh sẽ được đưa lên hệ thống kết nối công nghệ thông tin để các chuyên gia đưa ra lời khuyên và giải pháp điều trị.
Với những ca bệnh nặng, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được hội chẩn với các chuyên gia tại Trung tâm điều hành để có hướng điều trị phù hợp.
Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ người dân khám chữa bệnh từ xa, giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19; đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế.
Trường Đại học Y Hà Nội là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm mô hình. Trường đã chỉ đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xem xét và phối hợp với một số bệnh viện vệ tinh có điều kiện nhân lực, trang thiết bị cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, mô hình bệnh tật phù hợp để phối hợp kết nối với Trung tâm điều hành của họ.
Về cơ bản, một trung tâm điều hành như vậy sẽ gồm phần cứng (hạ tầng kết nối, máy móc thiết bị hỗ trợ chẩn đoán...) và phần mền (là đội ngũ bác sĩ, nền tảng tri thức, thậm chí đến một lúc nào đó có thể là AI chẩn đoán bệnh...)
Căn cứ hiệu quả của mô thí điểm, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp mở rộng quy mô mô hình khám chữa bệnh từ xa tại các tỉnh và thành phố khác, giúp người dân trong cả nước, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó… không bị gián đoạn trong chăm sóc sức khoẻ trong và sau dịch COVID-19.