Tính đến ngày 31/12/2021, Hà Nội có 115 doanh nghiệp KH&CN được chứng nhận trong tổng số khoảng 600 doanh nghiệp KH&CN của cả nước.
Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành KH&CN thủ đô, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, ngành KH&CN thủ đô đã triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách khai thác tiềm lực KH&CN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng của đội ngũ trí thức ở các viện trường. “Các sản phẩm KH&CN thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng, chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, các hội nghị hội thảo khoa học liên ngành, liên vùng, các sự kiện quốc tế lớn.
Thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức, bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh cho bối cảnh hội nhập.
Thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ. “Nhiều nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký và bảo hộ, số lượng doanh nghiệp KH&CN được đăng ký chính thức hằng năm tăng. Hiện nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp KH&CN, chiếm khoảng 20% cả nước”, ông Dũng cho biết. Tính đến ngày 31/12/2021,
Hà Nội có 115 doanh nghiệp KH&CN được chứng nhận trong tổng số khoảng 600 doanh nghiệp KH&CN của cả nước.
Với những thành tựu và hoạt động trong suốt những năm qua của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá, ngành KH&CN Hà Nội đã tạo được vị thế dẫn đầu, khẳng định vai trò trung tâm dẫn dắt KH&CN của cả nước.
Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và ĐMST của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị ngành KH&CN thủ đô cần: tiếp tục tham mưu cho các cơ quan để hoàn thiện các cơ chế chính sách về KH&CN và ĐMST có tính đột phá cũng phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị trực thuộc Bộ.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội chủ động đăng ký và tham gia triển khai đánh giá thử nghiệm Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh nhằm đo lường năng lực và kết quả ĐMST của thành phố, từ đó đồng bộ với chỉ số ĐMST toàn cầu GII.
Trong đó, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, bài học mà ngành KH&CN thủ đô rút ra sau 60 năm là: vai trò và sứ mệnh của KH&CN phải được xác định rõ trong các chủ trương và thể chế hóa trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh.
Ông cho biết, trước mắt, Sở KH&CN Hà Nội sẽ tập trung tham mưu triển khai hiệu quả Chương trình số 07 của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Cùng với đó, Sở cũng sẽ tham mưu triển khai thực hiện chương trình phát triển thị trường KH&CN thành phố đến năm 2030, đề án xây dựng và vận hành sàn giao dịch công nghệ TP Hà Nội, đề án vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,...
Một số hình ảnh tại Triển lãm thành tựu 60 năm ngành khoa học và công nghệ thủ đô:
Gian hàng sản phẩm đông trùng hạ thảo từ Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất quả thể Đông Trùng Hạ Thảo (Cordyceps militaris) trên nguồn cơ chất tổng hợp quy mô công nghiệp”.
Công nghệ xử lý nước được Bộ KH&CN cấp bằng độc quyền sáng chế.
Sản phẩm từ nghiên cứu "Chế tạo mảnh vá hộp sọ và lồi cầu xương hàm dưới bằng công nghệ 3D từ vật liệu C-PEEK" của Viện Nghiên cứu và Phát triển vật liệu y sinh.
Chương trình số 07 của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025"
Mục tiêu chung:
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Mục tiêu cụ thể:
1. Xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Tiến tới nhóm dẫn dầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học. Đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (data science) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G. Phấn đầu dẫn đầu cả nước về công bố khoa học quốc tế. Dẫn đầu cả nước về hình thành, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội.
2. Là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục dẫn dầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ.
3. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.
4. Trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á.
5. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.
|