|
Tính đến tháng 10/2015, ứng dụng GrabTaxi đã được 141.000 lái xe đăng ký sử dụng và 7,8 triệu lượt người dùng tải xuống - Ảnh: IT
|
Hàng loạt câu hỏi trong quản lý xe hợp đồng điện tử về Grab, Uber đã được lãnh đạo Bộ GTVT và các chuyên gia giải đáp trong buổi Toạ đàm trực tuyến “Những vấn đề “nóng” trong quản lý xe hợp đồng điện tử” do Báo Giao thông tổ chức sáng qua (24/11).
Áp dụng công nghệ là xu hướng tất yếu
Với sự xuất hiện mô hình kinh doanh của Grab, Uber cần phải có những thay đổi gì trong cách quản lý để theo kịp với thực tế? Trước khi trả lời câu hỏi đầy tính thời sự này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Uber có nhiều ưu điểm như: Giảm thời gian, chi phí trung gian, giá cước và khiến việc đi lại thuận lợi hơn nhưng cũng có những bất cập. Chẳng hạn, theo quy định về kinh doanh vận tải taxi thì đối tượng phải là tổ chức nhưng ở đây lại là một sốxe cá nhân dùng phần mềm này để kinh doanh vận tải, tạo ra sự lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh. Hay việc đón trả khách không đúng quy định gây ùn tắc giao thông, vấn đề nộp thuế với Nhà nước...
“Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, nghiên cứu để hướng dẫn doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện theo hướng đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Như vậy, đề nghị của Grab là phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, đã là kinh doanh vận tải hành khách phải có điều kiện, có tổ chức, đảm bảo lành mạnh, hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Về câu hỏi, Grab và Uber có phải là đơn vị kinh doanh vận tải hay chỉ cung cấp công nghệ? Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) khẳng định, cả hai đang như những nhà cung cấp phần mềm chứ chưa phải là các đơn vị kinh doanh vận tải.Vậy, Grab và Uber có phải là taxi trá hình? Ông Ngọc khẳng định, không phải là trá hình bởi về hình thức nó khác taxi ở chỗ không có đèn lắp trên nóc, đồng hồ tính tiền, biển hiệu, màu sơn riêng. Về bản chất nó cũng khác taxi vì không tính tiền theo đồng hồ.
“Grab taxi hiện nay là một nhà cung cấp công nghệ phần mềm trong quản lý vận tải, nó cũng có thể trở thành một đơn vị kinh doanh vận tải nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Khi họ trở thành một đơn vị kinh doanh vận tải và có sự kết hợp với công nghệ, tôi tin đây là mô hình hiệu quả”, Thứ trưởng Thọ cho biết thêm.
Khẳng định lợi ích của việc áp dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết:“Chúng tôi đã thử nghiệm khi trời mưa gọi taxi truyền thống thì hãng nào cũng báo chờ 10 - 15 phút nên khách hàng thường phải gọi ba hãng. Sau 30 phút, có ba hãng điều xe tới. Có hãng điều hai xe tới, bản thân điều đó gây ùn tắc giao thông. Còn khi Grab ký hợp đồng với các hãng taxi để áp dụng phần mềm của họ, thì giảm lượng xe ùn tắc. Dùng phần mềm Grab có lộ trình cụ thể, điểm đón cụ thể, thuận lợi cho người sử dụng. Chúng ta cần nhân rộng ứng dụng này cho các hãng taxi truyền thống để tạo nên hệ thống vận tải thông minh như các nước hiện nay”.
Grab, Uber có cạnh tranh thiếu lành mạnh?
Câu hỏi được nhiều người quan tâm là hiện nay là việc Grab khuyến mại rầm rộ thời gian qua có vi phạm luật cạnh tranh? Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, đối với taxi có nhiều loại khuyến mãi. Tuy nhiên, cần làm rõ bản chất là do người ta hạ giá thành, giảm giá, hay khuyến mãi theo tài xế thì mới biết họ có vi phạm hay không? Theo ông Đức, nếu như khuyến mãi mà không đăng ký giá cước là vi phạm. Nhưng chúng ta hiểu theo cách đây là xe hợp đồng chứ không phải taxi như Luật Quản lý giá thì không phải đăng ký giá. Theo hợp đồng, giá có thể rất rẻ hay rất đắt. Grab đặt ra giá cước vào giờ thấp điểm, cao điểm là hoàn toàn hợp lý. Đặt giá cao, giá thấp không hẳn là khuyến mãi.
Về câu hỏi, hình thức hợp đồng của Grab có hợp pháp hay không ông Đức cho rằng, Luật Thương mại 2005 quy định, hợp đồng giao dịch có rất nhiều hình thức khác nhau. Trong trường hợp này, thông tin về dữ liệu điện tử có giá trị ngang văn bản. Với phần mềm Grab sẽ tạo cơ hội cho khách rất nhiều để tự đặt giá cho nhà xe. Hành vi này không hề vi phạm pháp luật.
Việc Grab và Uber tự xây dựng giá có vi phạm các quy định về quản lý giá của Nhà nước, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, Grab đưa phần mềm của họ vào DN vận tải theo ngày, theo mùa là quyền của họ. Khi Grab điều chỉnh mức lên xuống đó, không phải do Grab mà do chính các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh vì đây là quyền của đơn vị kinh doanh vận tải. Người ta chỉ thông qua phần mềm của Grab để thể hiện giá đó. Về hợp đồng, không phải hành khách ký hợp đồng với Grab mà họ đang đăng ký thông qua phần mềm với đơn vị kinh doanh vận tải. Đó là điều rất khác nhau.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, xu thế của phát triển là chúng ta phải ứng dụng công nghệ thông tin đạt mục tiêu thuận lợi nhất cho dân, chi phí thấp nhất cho dân, đảm bảo ATGT, ANTT trên địa bàn. “Tôi khẳng định kể cả Grab, Uber hay các đơn vị khác nếu có phần mềm ứng dụng này khi vào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách đều phải tuân thủ theo quy định về kinh doanh. Trong quá trình thực hiện nếu thấy có gì không phù hợp thì chúng ta có thể loại bỏ và sửa đổi bằng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
"Qua làm việc với Uber, chúng tôi
được biết, giấy phép kinh doanh mà đơn vị này được Sở KH&ĐT TP HCM
cấp xác định đây là đơn vị kinh doanh công nghệ, không phải là đơn vị
kinh doanh vận tải. Họ đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý: Quản
lý chung và quản lý thiết bị. Nên khẳng định họ không kinh doanh vận
tải. Còn qua làm việc với Grab taxi, chúng tôi nhận thấy họ được Sở
KH&ĐT TP HCM cấp giấy phép kinh doanh là dịch vụ CNTT và dịch vụ vận
tải hành khách công cộng trừ xe buýt. Tuy nhiên, chúng ta thấy, Grab có
chức năng kinh doanh vận tải khách đường bộ nhưng họ vẫn đang hoạt động
như nhà cung cấp phần mềm kết nối là chính”. Ông Trần Bảo Ngọc Vụ trưởng Vụ Vận tải |