Hoạt động dự báo trong phát triển KH&CN tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
TS. Vũ Trường Sơn đã chia sẻ như vậy trong buổi Hội thảo khoa học “Dự báo Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội” sáng 24/11 tại Trường quản lý Khoa học và công nghệ, Hà Nội.
Khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Trường Sơn nhấn mạnh hoạt động “dự báo” đối với Việt Nam đến nay vẫn còn là một vấn đề tương đối mới. Mặc dù Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được hình thành và phát triển trong nhiều năm, tiếp thu nhiều nền kiến thức từ Liên Xô cũng như nhiều quốc gia khác, hoạt động dự báo cũng thấp thoáng xuất hiện nhưng chưa rõ nét. Các dự báo vẫn còn những điểm chưa xác thực với cuộc sống cũng như trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Ông cũng khẳng định, công tác dự báo là vô cùng cần thiết và nên được chú trọng, đặc biệt trong KH&CN. Bởi dự báo sẽ là định hướng phát triển, là căn cứ lựa chọn những ưu tiên trong sự phát triển về KHCN nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Mà KH&CN là yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, nếu có sự lựa chọn ưu tiên đúng hướng thì kinh tế xã hội cũng phát triển đúng hướng. Nó sẽ tránh sự lãng phí, và những thiệt hại về kinh tế nếu như dự báo không đúng. Vậy khi dự báo được dựa trên cơ sở thực trạng hiện thực và xu hướng phát triển trong tương lai, mọi định hướng, mọi sự tập trung và sự cố gắng của nguồn lực kinh tế-xã hội sẽ tập trung vào đó, nền kinh tế- xã hội không trong tình trạng “chậm phát triển”.
Tuy nhiên, để có thể dự báo đúng hướng, các nhà khoa học cần có sự phân tích tổng hợp, thu thập được nhiều tài liệu, số liệu thống kê, điều tra các thông tin thực tế cần thiết và đặc biệt là dựa vào tình hình hiện tại để dự báo. Đó cũng là nhận định của TS. Vũ Trường Sơn khi nhắc tới vấn đề khó khăn và thuận lợi trong việc đưa ra những dự báo ở Việt Nam. Theo ông, một cuộc điều tra có thể thực hiện được cần yếu tố về nguồn lực và tài chính. Trong khi nguồn nhân lực của Việt Nam am hiểu đầy đủ về các lĩnh vực KH&CN không nhiều, chi phí cho một cuộc điều tra số liệu thực tế cao. Do vậy “cái đầu vào đã sai thì đầu ra cũng sẽ sai”, nghĩa là tư liệu dự báo đã không chính xác thì kết quả cũng sẽ không chính xác.
Khó khăn thứ hai theo ông là chuyên gia về dự báo ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi cơ quan lại có những phương thức, quan điểm khác nhau. Họ được cử đi học, tham gia các khóa đào tạo, tập huấn kiến thức ở những quốc gia khác nhau. Sự đồng bộ về mặt kiến thức không có dẫn đến thiếu một phương pháp thống nhất trong công tác dự báo phát triển KH&CN. Một điểm yếu nữa là hiện các nhà dự báo mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng những lý thuyết của các quốc gia phát triển áp vào Việt Nam, mà chưa có sự đánh giá chính xác về những yếu tố đặc thù trong kinh tế-xã hội; khoa học- công nghệ ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, thuận lợi trong việc dự báo ở Việt Nam chính là đường lối chính trị xuyên suốt và sự quan tâm từ phía Lãnh đạo, các tổ chức, các đơn vị sản xuất, các chuyên gia làm việc ở nhiều ngành kinh tế khác nhau... Đó cũng chính là cơ hội cho dự báo phát triển KH&CN trong thời gian tới được đẩy mạnh và hy vọng sẽ đóng góp nhiều cho việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tại buổi hội thảo, nhiều tham luận của các Giáo sư, tiến sĩ đến từ các vụ KH&CN, các viện KHCN cùng các giảng viên trường đại học cũng đóng góp và làm rõ từ khái niệm đến vai trò, và đưa ra những dự báo dài hạn trong tương lai.