Dự án giúp trẻ em dân tộc ở độ tuổi mầm non và tiểu học tăng cơ hội học và sử dụng tiếng mẹ đẻ, đồng thời hỗ trợ trẻ khuyết tật về giáo dục hòa nhập.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại buổi lễ
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: MOET

Sáng 21/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Tổ chức Đối tác toàn cầu về giáo dục (GPE), Quỹ Nippon (TNF) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) tổ chức khởi động dự án nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam.

Dự án được quỹ GPE và TNF viện trợ 100% với tổng kinh phí 121 tỷ đồng, tương đương 5,15 triệu USD.

Theo thông tin từ Trung tâm Truyền thông và Sự kiện (Bộ GD-ĐT), Dự án gồm ba cấu phần: (1) Đảm bảo trẻ em dân tộc thiểu số lứa tuổi mầm non được tiếp cận tăng cường Tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; (2) Tăng cường sử dụng tiếng mẹ đẻ và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trong trường tiểu học; (3) Tăng cường giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật và trẻ em dân tộc thiểu số.

Dự án được khởi động từ tháng 3/2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2026.

Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án là trẻ em mầm non của sáu dân tộc Mông, Ê đê, Khmer, J'rai, Bahnar, Thái. Các em sẽ được tăng cường vốn tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tham gia tốt các hoạt động tại trường mầm non và sẵn sàng vào lớp 1.

Bên cạnh đó, học sinh tiểu học của 8 dân tộc Bahnar, Chăm, Êđê, Khmer, J'rai, Mnông, Mông, Thái được tăng cơ hội học và sử dụng tiếng mẹ đẻ, tiếp cận với các tài liệu về văn hóa của dân tộc mình.

Trẻ em khuyết tật cũng được hỗ trợ về giáo dục hòa nhập, các kỹ năng đặc thù để từng bước hòa nhập và học tập có hiệu quả hơn.