Trong các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp FDI dù có số lượng doanh nghiệp, lao động, vốn chiếm tỷ lệ không cao nhưng lại tạo ra lợi nhuận lớn nhất trong các thành phần kinh tế còn lại.
Thông tin này được đưa ra bởi ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo Công bố chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010-2016.
Số doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục
Năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15.2% so với năm 2016. Trong đó, có 34/36 tỉnh có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2017 so với năm 2016 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Trong đó, một số tỉnh có tốc độ tăng cao gồm: Bến Tre tăng 272%, Thanh Hóa tăng 110%, Hà Giang tăng 55%... Tuy nhiên, các tỉnh này có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới cao nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới không nhiều.
Theo lĩnh vực hoạt động, năm 2017, 45,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 35,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 16,6% so với năm 2016, có 16,2 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo (chiếm 12,8%), tăng 9,4%, có 16 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng (chiếm 12,6%)...
Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng.
Năm 2017, cả nước có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm 2016. Những tỉnh có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh cao trong năm 2017 gồm Sơn La tăng 156%; Bạc Liêu tăng 85%; Hà Tĩnh tăng 83%...
Tuy nhiên, năm 2017 cũng có hơn 12 nghìn doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 2/9% so với năm 2016. Tuy nhiên, một số tỉnh có tốc độ tăng số doanh nghiệp giải thể cao so với năm 2016 như Hòa Bình tăng 587%, Trà Vinh tăng 296%, Lào Cai tăng 195%...
Doanh nghiệp FDI có lợi nhuận cao nhất
Năm 2016 tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp đạt 17,4% triệu tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp tăng 15%.
Theo khu vực kinh tế, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ là hai khu vực có quy mô lớn nhất về doanh thủ, đồng thời là hai khu vực tạo ra khối lượng doanh thu năm 2016 khá tương đồng với 8,9 triệu tỷ động và 8,5 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng đang có tốc độ tăng doanh thu giai đoạn 2010-2016 cao hơn với mức tăng 17%/năm (trong đó ngành công nghiệp tăng 17,4%), các doanh nghiệp dịch vụ tăng bình quân 13,5%/năm.
Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 712 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 12,3% (thấp hơn mức tăng của vốn 16,3% và doanh thu 15%).
Theo khu vực kinh tế, các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ doanh nghiệp, đồng thời là khu vực có tốc độ tăng lợi nhuận nhanh nhất giai đoạn 2010-2016.
Năm 2016 các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra 447 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, tăng 14,7%/năm giai đoạn 2010-2016.
Theo thành phần kinh tế, các doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng doanh nghiệp, lao động vốn chiếm tỷ lệ không cao trong toàn bộ doanh nghiệp nhưng tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quần 17,3%/năm giai đoạn 2010-2016. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn.