Tại Hội thảo Đảm bảo đo lường trong công nghiệp do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tổ chức ngày 14/7 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của đo lường trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh, đo lường có vai trò và là công cụ quan trọng đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường chính xác sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo công bằng thương mại, sự trong sạch của môi trường cũng như sức khỏe của nhân dân. Bộ KH&CN luôn xác định Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng là lĩnh vực quan trọng của hoạt động KH&CN, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Thanh, để phát triển và hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp đến 2020 và để hỗ trợ cho doanh nghiệp liên quan đến khoa học công nghệ bao gồm cả hoạt động đo lường. Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đã ký Quyết định số 1570/QĐ-BKHCN ngày 15/6/2016 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này. Thực hiện chương trình, kế hoạch này, chúng ta thấy nhiều nội dung cần phải giải quyết để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thứ trưởng kỳ vọng hội thảo sẽ góp phần vào xây dựng, phát triển và hỗ trợ về đo lường cho các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Vietq

Trong khi đó, ông Trần Quý Giầu - Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - chất lượng - cho biết, hiện nay trên cả nước có hơn 300 tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra về đo lường trong kinh doanh về xăng dầu, vàng, trang sức mỹ nghệ,… đã có những kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính trong hoạt động này vẫn còn phức tạp.

"Trong thời gian tới định hướng phát triển đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia trên cơ sở tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó chú trọng giải pháp về đo lường” - ông Giàu cho biết.

Theo ông Giàu, doanh nghiệp chưa quan tâm, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đo lường; chưa có chính sách hỗ trợ, đề án tổng thể phát triển về đo lường,… là những tồn tại, hạn chế hiện nay trong lĩnh vực đo lường trong công nghiệp.


Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đại biểu đến từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nghiên cứu

Về phần mình, ông Cao Xuân Quân - Viện trưởng Viện Đo lường - cho biết, viện đang tiếp tục xây dựng và xin công nhận chuẩn đo lường quốc gia. Đến năm 2020 xin công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia. Đồng thời, xây dựng hồ sơ đề nghị quốc tế thừa nhận bổ sung các phép hiệu chuẩn trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường. Bên cạnh đó, viện cũng tăng cường nghiên cứu và phát triển chuẩn đo lường, đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, đầu tư cho các hệ thống chuẩn đo lường, xây dựng các phòng thí nghiệm tại Khu R&D - Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; các phòng đo lường công nghiệp khu vực phía Nam.

Trong khi đó, Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nam Định cho rằng, các cơ quan chức năng chưa thúc đẩy hoạt động đo lường, cũng như chưa có cơ chế khuyến khích để kiểm soát về kỹ thuật trong hoạt động đo lường trong công nghiệp nhằm nâng cao công nghệ và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lại chưa thực sự quan tâm, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của đo lường công nghiệp. Một số doanh nghiệp lớn có thực hiện quản lý theo hệ thống chất lượng thì mới thực hiện kiểm soát đo lường.

D
Doanh nghiệp cần chủ động áp dụng những quy định của pháp luật về đo lường

Bà Dung cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch các phòng hiệu chuẩn đo lường cấp trung ương, cấp vùng; có kế hoạch liên kết các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thử nghiệm để tận dụng tối đa năng lực của các Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng địa phương. Viện Đo lường quốc gia phải tập trung nghiên cứu khoa học nhằm vào giải pháp nâng cao trình độ chuẩn, phương pháp sao truyền chuẩn; một số giải pháp kỹ thuật để kiểm soát hiệu quả đối với phương tiện đo, hệ thống đo có gắn phần mềm điều khiển.