Chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách; doanh nghiệp hạn chế về tài chính và khó tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước,… là những khó khăn, bất cập hiện nay trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ở khu vực phía Nam.
Đó là các ý kiến được nêu ra tại Hội thảo Xã hội hóa nguồn lực đầu tư hoạt động KH&CN tại khu vực phía Nam - Thực trạng và giải pháp do Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức ngày 14/7 tại TPHCM.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM - cho biết, tại TPHCM, cơ chế quản lý đã có đổi mới nhưng chưa kịp với các đòi hỏi của cơ chế thị trường. Định hướng và chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thực sự gắn với định hướng phát triển KH&CN. Việc khuyến khích doanh nghiệp thành lập, trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế chưa thông thoáng. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định doanh nghiệp khởi nghiệp có thành công hay không chính là việc kêu gọi được vốn đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại không hào hứng với các ý tưởng khởi nghiệp mạo hiểm, do chưa có những chính sách hỗ trợ để bảo đảm việc đầu tư vào khởi nghiệp là có lợi - ông Phùng chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - thì cho rằng, trở ngại lớn nhất cho việc cải tiến công nghệ của các doanh nghiệp là hạn chế về tài chính. Trong khi đó, doanh nghiệp lại khó tiếp cận nguồn vốn từ các dự án hỗ trợ đổi mới công nghệ trong nước. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ của nhà nước được ban hành khá nhiều, có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp nhưng khi áp dụng vào thực tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề trích lập và sử dụng Quỹ KH&CN trong doanh nghiệp - ông Hưng cho biết thêm.
Theo ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN - cũng thừa nhận, trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về KH&CN, nhưng việc ứng dụng trong thực tế còn nhiều khó khăn. Có những một số địa phương thực hiện được nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế, nhân lực,… Nhiều địa phương còn chưa thực hiện được. Là khu vực năng động nhất cả nước, Bộ KH&CN kỳ vọng khu vực phía Nam với nhiều mô hình tiên tiến có thể đưa ra những đề xuất, sáng kiến để ứng dụng triển khai rộng khắp toàn quốc. Ông Đà cũng cho rằng, chúng ta không thể đầu tư toàn bộ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN được, mà nguồn lực trong xã hội mới là nguồn lực lớn. Tuy nhiên, thông tư số 12/2016/TTLT - BKHCN - BTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp khi đưa vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh đó, việc hiểu biết, thực thi về chính sách của các đơn vị, doanh nghiệp còn chưa rõ ràng, đồng bộ.
Trước thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể để triển khai Thông tư 12; tăng cường quảng bá các chương trình hỗ trợ của nhà nước đến doanh nghiệp; phát triển và kết nối hoạt động R&D của doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu,…
Kiều Anh