ĐH Quốc gia TPHCM dự định sẽ sớm thành lập thêm 2 trường đại học thành viên gồm Trường ĐH Khoa học sức khỏe và Trường ĐH Công nghệ Môi trường

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghé thăm và làm việc với ĐHQG-HCM. Ảnh: Thiện Thông
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ủng hộ kiến nghị thành lập thêm 2 trường đại học là thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: vnuhcm.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ mong muốn trên tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới đây. Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Trường ĐH Khoa học sức khỏe được thành lập trên cơ sở phát triển từ Khoa Y, Trường ĐH Công nghệ Môi trường trên cơ sở phát triển từ Viện Môi trường và Tài nguyên.

Lý giải về dự định này, ông cho biết, nhu cầu đào tạo ngành Y - Dược hiện nay rất lớn, Trường ĐH Khoa học Sức khoẻ khi được thành lập sẽ không phải của riêng một địa phương cụ thể nào mà là của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, của vùng đồng bằng sông Cửu Long. “Khoa Y đã có 13 năm phát triển nhanh, bền vững và có những đóng góp cụ thể, với số lượng sinh viên tốt nghiệp là 582 bác sĩ, 46 dược sĩ”, ông phân tích về năng lực thực tế của Khoa Y.

Trong khi đó, Viện Môi trường và Tài nguyên cũng có nhiều tiềm năng trở thành một trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM. Xuất phát ban đầu từ bộ môn “Kỹ thuật môi sinh” thuộc Khoa Kỹ thuật Xây dựng tại Trường ĐH Bách Khoa TPHCM, sau hơn 40 năm hoạt động, Viện đã trở thành một đơn vị nghiên cứu mạnh, đóng góp tích cực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ trải rộng từ Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, TPHCM đến các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và Tây nguyên, cũng như các tỉnh miền Trung.

f
Khoa Y thuộc ĐH Quốc gia TPHCM hiện đào tạo 5 ngành đại học: Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học cổ truyền. Ảnh: medvnu

Bên cạnh đề xuất về việc thành lập thêm trường, PGS.TS Vũ Hải Quân còn bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT đồng ý để ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì, phối hợp với một số trường đại học trọng điểm thực hiện Đề án Đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số. “Mục tiêu là tăng gấp đôi số lượng kỹ sư CNTT trong 5 năm tới, từ 4.300 lên 10.000, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng”, dựa trên 3 đột phá:

(1) Đột phá về chính sách, cụ thể là quy chế quy định về tuyển sinh, về chỉ tiêu, về các điều kiện đảm bảo chất lượng

(2) Đột phá về chương trình đào tạo: công nhận tín chỉ phổ thông - thu hút học sinh giỏi; công nhận các tín chỉ do doanh nghiệp đồng đào tạo - tăng kỹ năng thực tế; công nhận các tín chỉ đào tạo trực tuyến của các trường đại học (tăng cường khả năng tự học của sinh viên, tăng cường hợp tác chia sẻ giữa các trường đại học)

(3) Đột phá về hạ tầng số, trong đó bao gồm trung tâm dữ liệu và học liệu số, hệ thống LMS, MOOC… để khai thác tối đa ứng dụng chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo.

ĐH Quốc gia TPHCM thành lập từ năm 1995, hiện có 7 trường thành viên gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH An Giang, 2 khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính), và một phân hiệu ĐH Quốc gia TPHCM tại tỉnh Bến Tre.

Nguồn: