Sau hơn ba năm tạm dừng để bảo trì và nâng cấp, Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) đã tái khởi động máy gia tốc hạt lớn (LHC) vào ngày 22/4. LHC là máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới, nằm trong một đường hầm hình tròn có chu vi 27 km tại biên giới Pháp và Thụy Sĩ.
Nếu tất cả các thử nghiệm và kiểm tra ban đầu vào cuối tháng 4 diễn ra suôn sẻ, những nghiên cứu mới sẽ được CERN thực hiện trên LHC từ tháng 6 và thiết bị này sẽ hoạt động hết công suất vào cuối tháng 7.
LHC được thiết kế để thực hiện nhiều thí nghiệm va chạm trực tiếp ở tốc độ cao giữa các hạt proton. Nam châm điện trong cỗ máy có thể giúp gia tốc các hạt đến gần vận tốc ánh sáng.
Các nâng cấp mới cho phép LHC tạo ra va chạm hạt ở mức năng lượng kỷ lục 13,6 TeV. Điều này có thể giúp các nhà vật lý tìm kiếm những loại hạt cơ bản, xây dựng Mô hình chuẩn của vật lý hạt, cung cấp thêm những hiểu biết về vật chất tối, hạt neutrino và bản chất của vũ trụ ngay sau Vụ nổ lớn (Big Bang).
Năm 2012, các nhà khoa học sử dụng LHC để chứng minh sự tồn tại của hạt Higgs. Công trình nghiên cứu này đã giành được giải Nobel Vật lý năm 2013.
Nguồn: Livescience.com
Quốc Hùng thực hiện