Các nhà khoa học của hai nước sẽ cùng chế tạo các thiết bị phân tích hiện đại cầm tay với độ chính xác cao dựa trên kỹ thuật vi lưu để quan trắc chất lượng môi trường đất, nước, trầm tích và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Hoạt động nghiên cứu này là một phần trong dự án “Phát triển công nghệ cao chế tạo thiết bị phân tích nhanh, dễ sử dụng và tăng cường nguồn nhân lực phục vụ kiểm soát an toàn thực phẩm và chất lượng môi trường”, do ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ĐH Tokyo (Nhật Bản) thực hiện trong 5 năm tới với kinh phí 5 triệu USD do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

f
GS.TS Nguyễn Văn Nội cùng các cộng sự tại Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh. Họ sẽ phối hợp với phía Nhật Bản để chế tạo các thiết bị phân tích hiện đại cầm tay với độ chính xác cao dựa trên kỹ thuật vi lưu. Ảnh: VNU

Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ kỹ thuật dài hạn và tăng cường năng lực cho Việt Nam về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến quan trắc chất lượng không khí, nước, đất và trầm tích; sử dụng công nghệ phân tích nhanh tại hiện trường và kỹ thuật quan trắc; và phát triển các thiết bị đo nhanh, cầm tay, có độ tin cậy cao v.v.

Trong đó, “chế tạo thành công các thiết bị phân tích hiện đại cầm tay với độ chính xác cao dựa trên kỹ thuật vi lưu (micro/nano fluidics technology) để quan trắc chất lượng môi trường đất, nước, trầm tích và kiểm soát an toàn thực phẩm là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà hai bên mong muốn đat được”, GS.TS Nguyễn Văn Nội, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh (trường ĐH Khoa học Tự nhiên) và là chủ nhiệm dự án phía Việt Nam, cho biết tại buổi làm việc giữa ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Tokyo Nhật Bản vào tuần trước.

Trong khuôn khổ Dự án, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành nâng cao chất lượng quản lý và vận hành các trạm quan trắc tự động chất lượng nước và không khí thuộc Công ty Horiba Nhật Bản tại Việt Nam. Các nhà khoa học sẽ kết hợp sử dụng trí tuệ AI, IoT, viễn thám và khoa học dữ liệu để quản lý và sử dụng các số liệu quan trắc môi trường thu được, từ đó vừa nâng cao chất lượng sản phẩm của công ty, vừa có được những dữ liệu cần thiết phục vụ cho nghiên cứu.

Cùng với đó, Dự án sẽ xây dựng và triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về quan trắc môi trường và an toàn thực phẩm của cán bộ sở Tài nguyên Môi trường và sở Y tế của 63 tỉnh, thành.

Dự kiến, sẽ có khoảng 630 học viên là cán bộ, chuyên viên môi trường trên toàn quốc tham gia các khóa đào tạo/huấn luyện về quan trắc chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm ở các phòng thí nghiệm hiện đại đặt tại đô thị ĐH Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc.

Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, GS.TS Kazuma Mawatari, đại diện ĐH Tokyo, chủ nhiệm dự án phía Nhật Bản, chia sẻ “hiện tại, Phòng thí nghiệm do Hiệp hội Chế tạo thiết bị phân tích Nhật bản (JAIMA) hỗ trợ, với những trang thiết bị hiện đại nhất từ 8 công ty thiết bị hàng đầu của Nhật Bản, đã được đặt tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên”. Phòng thí nghiệm này sẽ phục vụ cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng như hỗ trợ cho hơn 300 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh thực tập hằng năm.

Dự án “Phát triển công nghệ cao chế tạo thiết bị phân tích nhanh, dễ sử dụng và tăng cường nguồn nhân lực phục vụ kiểm soát an toàn thực phẩm và chất lượng môi trường”là 1 trong 10 dự án trên toàn thế giới được chính phủ Nhật Bản tài trợ trong khuôn khổ Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững (Science and Technology Research Partnership for Sustainable Development – SATREPS) năm 2022.

Khoa Hoá học và Khoa Môi trường thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là các đơn vị chính thực hiện dự án của phía Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia của ĐH Tokyo, đại diện các công ty thiết bị hàng đầu của Nhật Bản như Horiba, DKK-TOA, Hitachi, Shimadzu… cũng sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện.

Dự án thứ hai của Việt Nam được tài trợ là dự án "Phát triển hệ thống cấp nước thích ứng với nguồn nước ô nhiễm" do Trường ĐH Xây dựng Hà Nội và ĐH Nagasaki phối hợp thực hiện.

Ngoài Việt Nam, Malaysia cũng có 2 dự án; Indonesia - 2; Chile - 1; Zambia -1; Peru -1; và Thổ Nhĩ Kỳ -1.

Nguồn: