Việc lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân ung thư sẽ chính xác và tốn ít thời gian hơn nhờ phần mềm khoanh vùng ảnh y tế AI Contour do các nhà khoa học ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chuyển giao cho công ty Med Aid.
Ngày 29/5, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức lễ bàn giao sản phẩm dự án “Khoanh vùng ảnh tự động bằng học máy” (AI Contour) cho công ty Med Aid - chuyên cung cấp giải pháp chẩn đoán và điều trị ung thư, có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Đây là dự án đầu tiên trong chuỗi dự án nâng cao năng lực hệ thống phần mềm cho các thiết bị điều trị ung thư do công ty Med Aid đặt hàng các nhà nghiên cứu ở khoa Toán - Cơ - Tin học (trường ĐH Khoa học Tự nhiên) từ tháng 5/2019.
PGS.TS. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên đại diện nhà trường chuyển giao sản phẩm cho Med Aid. Ảnh: Mỹ Hạnh
“Mục tiêu của dự án AI Contour là sử dụng AI và phương pháp học sâu để tăng độ chính xác, giảm thời gian khoanh vùng các bộ phận trên ảnh y tế, hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình xạ trị cho bệnh nhân ung thư”, TS. Đỗ Thanh Hà (Khoa Toán - Cơ - Tin học), trưởng nhóm dự án, cho biết.
Trước khi tiến hành xạ trị ung thư, các bác sĩ phải lập kế hoạch xạ trị dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp mô phỏng của bệnh nhân ung thư để xác định liều xạ trị phù hợp. Đây là bước quan trọng, tốn nhiều thời gian và phức tạp nhất trong quá trình xạ trị.
“Trong quá trình lên kế hoạch, các bác sĩ cần vẽ đường bao (contour) các tổ chức lành với khối u, làm thế nào để trong quá trình xạ trị, các tổ chức lành ít bị ảnh hưởng nhất. Các phần mềm xử lý ảnh trước đây đã được áp dụng trong công đoạn này. Tuy nhiên, với những khối u ở vùng bụng, giữa mô lành và mô ung thư không có sự khác biệt nhiều về mật độ nên các thuật toán cũ không thể phát hiện”, ông Phạm Văn Thỉnh, Phó Giám đốc công ty Med Aid Việt Nam, giải thích về bài toán công ty đang gặp phải.
Để giải quyết vấn đề này, TS. Đỗ Thanh Hà và các cộng sự ở khoa Toán - Cơ - Tin học đã tìm cách phát triển những thuật toán khoanh vùng ảnh y tế có độ chính xác cao và tốn ít thời gian hơn. Sau 1 năm mày mò thử nghiệm trên các dữ liệu khác nhau, các nhà khoa học đã phát triển thành công mô hình thuật toán khoanh vùng có độ chính xác cho vùng đầu và ngực đạt 92%, vùng bụng đạt trên 83%, vượt cả mục tiêu ban đầu đặt ra là 80%.
“Tôi rất vui với kết quả trên, mô hình thuật toán này sẽ giúp được rất nhiều trong lập kế hoạch xạ trị, với phần mềm cũ phải mất 2-3 tiếng để khoanh vùng, nhưng với công nghệ này chỉ mất vài phút là cho kết quả”, ông John Công Nguyễn, Chủ tịch Med Aid (Hoa Kỳ), bày tỏ.
Hiện nay, công ty đang triển khai tích hợp thuật toán này vào chương trình phần mềm lập kế hoạch xạ trị của Med Aid - được ứng dụng trong nhiều bệnh viện ở Việt Nam và trên thế giới. “Thành công của dự án không chỉ chứng minh được năng lực của các thầy cô mà còn là khởi đầu tốt đẹp để hai bên tiếp tục hợp tác nhiều dự án mới trong tương lai”, ông John Công Nguyễn nói.