Tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN trực tuyến ngày 29/5, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành trong thời gian qua, nhất là đã chứng minh được vai trò quan trọng ở tuyến đầu trong tình huống cấp bách.

Ngành KH&CN cần tiếp tục thể hiện vai trò trong việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau dịch bệnh cũng như bước vào kế hoạch trung hạn sắp tới.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc năm nay được tổ chức tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với điểm cầu tại các địa phương trong cả nước, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cùng ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh “Việt Nam vẫn đang duy trì phát triển kinh tế tăng trưởng dương, dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã khống chế tuy nhiên kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và nhiều mặt của đời sống xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng” như Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định trong phát biểu khai mạc. Do đó, “Bộ KH&CN, Hiệp Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các địa phương tập trung trao đổi, thảo luận một số giải pháp KH&CN để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã báo cáo về các chương trình, chính sách gắn với hoạt động của các địa phương gồm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Quản lý tài sản trí tuệ; và hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Cục Phát triển thị trường báo cáo về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và sàn giao dịch công nghệ. Phần lớn các địa phương đã có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (52/63 địa phương), nhiều tỉnh/ thành đã xây dựng, hình thành không gian làm việc chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (trong đó tiêu biểu là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh).

Về vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa – vốn nhận được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết hiện nay phần lớn các địa phương đã thực hiện quyết định số 100/QĐ-TTg về Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc từ năm 2019 nhưng chưa đồng đều. Cụ thể, trong 44/63 địa phương thực hiện, có 6 địa phương xác định sản phẩm đặc trưng/ ưu tiên để truy xuất nguồn gốc, 9 địa phương chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho truy xuất nguồn gốc, 7 địa phương đã triển khai hoặc dán tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm. Tuy nhiên còn có 19 tỉnh chưa có hoạt động đáng kể nào do các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc xác định sản phẩm cụ thể, kinh phí hạn hẹp; người tiêu dùng chưa có đủ điều kiện sử dụng, ứng dụng công nghệ để khai báo, cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc; cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, chưa có đủ văn bản hướng dẫn triển khai truy xuất nguồn gốc; nhiều doanh nghiệp và cá nhân chưa có điều kiện tiếp cận để hiểu rõ ý nghĩa, bản chất của truy xuất nguồn gốc; nhiều đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc trên thị trường nhưng không theo một tiêu chuẩn thống nhất.

Để chuẩn bị cho các doanh nghiệp hội nhập, vấn đề sở hữu trí tuệ đã được quan tâm sớm và sát sao ngay từ những ngày đầu đàm phán các hiệp định thương mại mới. Và hiện nay, các đơn hồ sơ cho chỉ đẫn dịa lý, nhãn hiệu tập thể luôn được chú trọng triển khai rất sớm để giúp các địa phương thúc đẩy phát triển, thương mại hóa các sản phẩm chủ lực, theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện nay có 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ. Nhiều sản phẩm nâng cao uy tín, giá trị gia tăng đáng kể sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như Cam Cao Phong Hòa Bình, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, cam Hà Giang… Cục đã hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như Chè Thái Nguyên (bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan), vải thiều Lục Ngạn -Bắc Giang (bảo hộ tại Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia), thanh long Bình Thuận và Cà phê Buôn Ma Thuột (đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật bản).

Quả vải đang được hỗ trợ cả về chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc xuất xứ để đưa vào các thị trường khó tính. Ảnh: Sản xuất vải đông lạnh ở Bắc Giang.

Về phía các địa phương, đại diện bảy địa phương tham gia phát biểu qua các điểm cầu trực tuyến đều cho biết đã nỗ lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chủ yếu xoay quanh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ và phát triển sản phẩm chủ lực. Một số tỉnh đạt được các thành tích rất ấn tượng như Quảng Ninh, cái nôi của chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đã có 420 sản phẩm chủ lực của địa phương và xác định phương án có 250 sản phẩm truy xuất nguồn gốc; hay Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi không quá nhiều tiềm lực nhưng đã hỗ trợ được 79 doanh nghiệp đổi mới công nghệ, lợi nhuận tăng khoảng 20-30%; và nổi bật là Thanh Hóa với đóng góp của KHCN thông qua năng suất nhân tố tổng hợp - TFP đạt 38.5%, tăng mạnh từ mức 6.2% của giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên các Sở KH&CN địa phương vẫn còn gặp khó khăn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Khó khăn đầu tiên xuất phát từ mặt bằng các doanh nghiệp KH&CN còn chưa mạnh, đơn cử như Hà Nội tuy có số lượng doanh nghiệp KH&CN đứng thứ hai cả nước (76 doanh nghiệp KH&CN) nhưng như Phó giám đốc sở KH&CN Nguyễn Quốc Hà cho biết, “số lượng còn ít so với tiềm năng, tỉ lệ R&D thấp, ít doanh nghiệp có sáng chế, nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài còn khiêm tốn”. Còn các tỉnh có điều kiện ngân sách hạn hẹp hơn như Thái Nguyên cho biết, các chương trình hỗ trợ cần đối ứng của địa phương lên tới 50% sẽ rất khó thực hiện.

Các địa phương cũng có ý kiến làm rõ một số cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động KHCN tại địa phương, chủ yếu xoay quanh một số nhóm chính: đề nghị ban hành hướng dẫn chung về quản lý chỉ dẫn địa lý; sớm xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, ban hành bộ tiêu chí đo lường quốc gia; kiến nghị ban hành hướng dẫn về tiêu chí xác định doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (chủ yếu ở tiêu chí công nghệ mới và tăng trưởng nhanh), hướng dẫn cụ thể hơn cho nghị định 70 về việc quản lý và sử dụng tài sản thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Lắng nghe ý kiến của các địa phương và phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả hoạt động KHCN trong cả nước thời gian qua. Bộ trưởng cho rằng, các lãnh đạo Sở KH&CN đã cho thấy rõ vai trò tham mưu của mình để tăng cường vị thế, vai trò của ngành ở các địa phương – thể hiện trong nhiều nghị quyết, chương trình của tỉnh đã có sự tham mưu của Sở KH&CN. Đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn như đợt dịch bệnh vừa qua, ngành KH&CN đã thể hiện rõ vai trò quan trọng ở tuyến đầu, cho thấy sự chuẩn bị trong một thời gian rất dài.

Về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để trình Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định, các Luật có liên quan đến KH&CN do Bộ chủ trì, đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ sẽ cần tập trung sửa đổi “một cách toàn diện” trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương phát triển đúng như Kết luận số 50-Kết luận số 50-KL/TW gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KH&CN; Tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia, nâng cao năng lực ứng dụng KH&CN; Phát triển tiềm lực KH&CN; Tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN.

Doanh nghiệp rất cần KH&CN trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số

Đại diện cho bộ phận chiếm đa số trong toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động và được đánh giá là ảnh hưởng Covid-19 nặng nề (theo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế quý I 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, tăng 25% so với cùng kỳ), ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh nhu cầu cần có các giải pháp KH&CN để doanh nghiệp phát triển. Trong bối cảnh hậu Covid-19 cũng như hội nhập và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ này “doanh nghiệp nào không áp dụng KH&CN là chết”, ông Nguyễn Văn Thân nói.

Hai tham luận của Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đã làm rõ những khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, chuyển đổi số cũng như trong việc áp dụng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và quản lý tài sản trí tuệ. Khảo sát của Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy phần lớn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi số. Do đó, Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng một hệ sinh thái số cho phép các doanh nghiệp tham gia các hoạt động marketing số và hỗ trợ tổ chức các hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số đẻ giúp đào tạo doanh nghiệp.

Tham luận thứ hai của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đại diện trình bày cũng đề nghị nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, từ đó làm cơ sở để tham mưu cho Chính phủ đưa truy xuất nguồn gốc trở thành một khâu bắt buộc trong quá trình sản xuất hàng hóa. Bởi vì theo khảo sát của Hiệp hội trong quá trình triển khai cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Check.net.vn, việc truy xuất nguồn gốc vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của người dân và doanh nghiệp, mà chưa có tính ràng buộc. Chỉ khi có quy định ràng buộc mới đảm bảo cho các doanh nghiệp từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập trước hàng loạt các hiệp định thương mại gồm CPTPP và EVFTA, hay ngay cả thị trường Trung Quốc cũng ngày càng khó tính.