Còn hơn 2 tháng nữa là đến thời điểm Việt Nam chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Chia sẻ tại hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học - giải pháp phát triển bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 17/10 tại Hà Nội, các nhà sản xuất, nhà quản lý và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều khẳng định đã sẵn sàng cho việc sử dụng xăng sinh học E5.

Phù hợp với mọi loại động cơ

Thực hiện đề án Phát triển nhiên liệu sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1/1/2018, chỉ xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 được phép sản xuất, kinh doanh. Trong đó, xăng E5 RON 92 có 5% ethanol và 95% xăng khoáng. Cồn ethonal sinh học được chế biến từ cây dạng ngũ cốc, có chứa đường.

Nói về việc sử dụng xăng E5, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ - khẳng định, hướng đi này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới dù chậm hơn một nhịp. Bởi lẽ, Mỹ đang sử dụng xăng sinh học E10 (tỷ lệ phối trộn là 10% ethanol), nhiều xe ôtô đang sử dụng hoàn toàn nhiên liệu E100. Trung Quốc đã bắt buộc sử dụng xăng E10 tại 10 tỉnh, thành phố và đến năm 2020 sẽ áp dụng toàn quốc.

PGS-TS Phạm Hữu Tuyến - Trưởng phòng thí nghiệm động cơ đốt trong, Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết: “Chúng tôi đã đánh giá thử nghiệm động cơ về công suất, tốc độ tay số, khả năng vận hành, hệ thống phun xăng điện tử... Kết quả cho thấy, công suất trung bình tăng 3,31%, tiêu hao nhiên liệu giảm 5,18%, lượng khí CO phát thải giảm hơn 27%, HC giảm 16% so với xăng RON 92. Hàm lượng khí NOx và CO2 có gia tăng do hệ quả của quá trình đốt cháy triệt để nhiên liệu”.

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Vũ

Về khả năng tương thích của động cơ với xăng E5, ông Tuyến khẳng định: “Nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết”.

Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - cơ quan đầu mối quản lý nhà nước các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm xăng E5 - khẳng định, trong 3 năm xăng E5 được sử dụng trên thị trường, cơ quan này chưa nhận được bất cứ khiếu nại nào của người tiêu dùng về chất lượng.

“Do ethanol có trị số octan cao (109) nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octan và tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu. Hàm lượng ôxy cao hơn xăng thông dụng giúp quá trình cháy của xăng E5 diễn ra triệt để hơn, giảm tiêu hao nhiên liệu” - ông Hải nói.

Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - cho biết, hiện công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo, nâng cấp và bổ sung quy trình vận hành, bảo dưỡng kho tồn chứa, hệ thống phối trộn xăng E5 đã được doanh nghiệp hoàn tất, đúng yêu cầu kỹ thuật. Hệ thống 5 trạm phối trộn in-line đã triển khai giai đoạn I gồm: Đức Giang (Hà Nội), Thượng Lý (Hải Phòng), Khuê Mỹ (Đà nẵng), Nhà Bè (TPHCM) và Cần Thơ, đáp ứng việc cung cấp xăng E5 cho thị trường 8 tỉnh theo đúng lộ trình của Chính phủ.


Cần chính sách hấp dẫn hơn về giá

Nhận thấy rõ những lợi ích của xăng E5, các chuyên gia cho rằng, có 2 vấn đề cần tập trung giải quyết là nguồn sản xuất ethanol và giá xăng hợp lý để hấp dẫn người tiêu dùng. Ông Trần Ngọc Năm nói: “Giá xăng sinh học E5 chỉ thấp hơn khoảng 300 đồng so với xăng khoáng RON 92, chưa đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Trong khi đó, khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ xe sử dụng xăng sinh học ít hơn xe sử dụng xăng khoáng từ 20-30%. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng E5 nhằm tạo khoảng cách về giá với xăng khoáng để hấp dẫn người tiêu dùng hơn”.

Ông Lưu Quang Thái - Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam - phân tích: “Các nhà máy sản xuất ethanol của Việt Nam đang dùng sắn là nguyên liệu chính. Giá nguyên liệu chiếm hơn 70% giá thành. Vì vậy, ổn định nguồn cung sắn với giá mua hợp lý là yếu tố quyết định giá ethanol của Việt Nam để cạnh tranh được với giá ethanol nhập khẩu”.

Theo ông Thái, với mức thuế nhập khẩu ethanol hiện hành là 20%, ethanol trong nước có thể cạnh tranh được, Chính phủ nên giữ nguyên; còn nếu điều chỉnh xuống mức 10 hoặc 15% thì khả năng cạnh tranh của cồn Việt Nam sẽ rất thấp. Ngoài ra, để chống sự độc quyền của doanh nghiệp sản xuất ethanol, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần quản lý giá thành sản xuất của các nhà máy bằng báo cáo hằng tháng về giá sản xuất, giá nguyên liệu và giá bán cho công ty xăng dầu để cơ quan quản lý có thể can thiệp, đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh.