Cho rằng bộ chỉ số hiện nay chỉ thích ứng với các doanh nghiệp lớn và vừa, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đề xuất xây dựng thêm những bộ chỉ số khác để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng có thể tham gia đánh giá mức độ bền vững.
Sáng nay tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã tổ chức lễ phát động Chương trình Đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững. Đây là chương trình được thực hiện thường niên từ năm 2016, theo đó, các doanh nghiệp được đánh giá dựa vào Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI để chọn ra và tuyên dương 100 doanh nghiệp.
Năm 2020, Bộ chỉ số CSI tiếp tục được sử dụng
làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp tham gia
chương trình với 127 chỉ số, tăng 29 chỉ số so với trước đó.
Lý do, theo ông Phạm Hoàng Hải - Trưởng nhóm Hợp tác, Ban Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam VBCSD, nơi trực tiếp thực hiện Chương trình - là bởi CSI
2020 đã được cập nhật nhiều điểm mới cho phù hợp với
những yêu cầu từ những hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam
ký kết gần đây (như CPTPP - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên
Thái Bình Dương hay EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU),
cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao
động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc
biệt, các vấn đề liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động
quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được đơn giản
hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số CSI 2020.
Thay
vì tập trung vào 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường như năm 2019,
CSI 2020 bao gồm 4 lĩnh vực: Kết quả phát triển bền vững, quản trị, môi trường, và lao động.
Tuy nhiên, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD - cho rằng, "127 chỉ số CSI thích ứng với các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp cỡ vừa, còn áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, tôi nghĩ là điều xa xỉ. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể 'mang vác' 127 chỉ số như vậy, và có chỉ số không thích hợp".
Vì vậy, ông đề nghị xây dựng thêm một hệ ít nhất 3 bộ chỉ số, như trong học hành có sơ cấp, trung cấp và đại học, để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng có thể tham gia đánh giá. "Làm sao cho quán phở ven đường cũng hoạt động với tinh thần phát triển bền vững, chứ đây không chỉ là chuyện của riêng những ông lớn…" - ông Lộc nói.
Nhận định rằng đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra những lỗ hổng trong hoạt động quản trị và vận hành kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc khuyến khích doanh nghiệp đưa CSI vào trọng tâm chiến lược quản trị doanh nghiệp; áp dụng Bộ chỉ số để lập báo cáo phát triển bền vững; thường xuyên tham chiếu Bộ chỉ số để kịp thời phát hiện những điểm yếu, thiếu sót trong quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh để cải thiện, đồng thời nắm bắt tiềm năng để đầu tư.
"Nền kinh tế thế giới đang chuyển sang giai đoạn hậu đại dịch, và
đây là lúc những giá trị phát triển bền vững lên ngôi," ông Vũ Tiến Lộc nói và nhấn mạnh, “Chúng ta đang đứng trước cơ hội là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong chiến lược dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang Asian. Phát triển bền vững là nền tảng để chúng ta kết nối với nền kinh tế toàn cầu và khẳng định Việt Nam có thể đảm nhận các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao."
Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững năm 2020 dự kiến được tổ chức vào tháng 11 tới.
Trong 4 năm triển khai, Chương trình Đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam đã thu hút sự tham gia của hơn 1.500 doanh nghiệp và đã có hơn 300 doanh nghiệp được biểu dương Doanh nghiệp bền vững.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu VCCI-VBCSD trong năm nay xây dựng đề án nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |