Vào ngày 29/7 tại Hà Nội, Cục SHTT đã tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập. Dù không phải là quãng thời gian quá dài, nhất là khi so với các tổ chức SHTT của nhiều quốc gia trên thế giới đã có lịch sử cả trăm năm, song 40 năm qua, Cục SHTT đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những dấu mốc lịch sử
Dấu mốc lịch sử của Cục SHTT bắt đầu vào ngày 29/7/1982, khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 125/HĐBT về việc tổ chức lại bộ máy của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, trong đó quy định Cục Sáng chế (tiền thân của Cục SHTT) là một đơn vị trực thuộc. Từ một đơn vị mới thành lập chỉ với 27 cán bộ thuộc 2 tổ chuyên môn, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, “Cục SHTT đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng thể hiện vai trò trụ cột của ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước”, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại lễ kỷ niệm.
Mỗi bước đi của Cục SHTT luôn gắn liền với sự chuyển mình của đất nước. Khi mới thành lập, Cục SHTT tập trung xây dựng nền tảng pháp lý cho hoạt động SHTT. Ngày 11/2/1989, Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được thông qua, đánh dấu sự thay đổi căn bản của hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam, lần đầu tiên cụm từ sở hữu công nghiệp được chính thức sử dụng trong các văn bản pháp luật. Từ đó đến nay, Cục đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực SHTT với bốn Luật, hơn 20 Nghị định, 23 Thông tư và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Đặc biệt vào năm 2019, Cục SHTT đã xây dựng thành công Chiến lược SHTT quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Những năm gần đây, Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đi kèm các cam kết về SHTT theo hướng bảo hộ quyền toàn diện và chặt chẽ hơn. Để góp phần hiện thực hóa các cam kết này, Cục SHTT đã tiến hành lần sửa đổi Luật SHTT lớn nhất từ trước đến nay và đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022.
Song song với đó, Cục SHTT cũng triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy việc xác lập quyền, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong nước, tiêu biểu trong số đó là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 04/4/2005.
Với những nỗ lực từ ban đầu đến nay, SHTT đã trở thành hoạt động quan trọng ở các địa phương. “Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Cục SHTT trong việc giúp các địa phương phát triển tài sản trí tuệ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay Sơn La đã có 3 chỉ dẫn địa lý và nhiều nhãn hiệu được cấp cho các loại cây ăn quả. Trước kia Sơn La là thủ phủ của ngô, nhưng giờ đây đã đứng thứ hai toàn quốc về phát triển cây ăn quả. Trong quá trình đó, không thể không kể đến đóng góp của SHTT, bởi sản phẩm có tốt đến mấy mà không có xây dựng được thương hiệu thì không thể thành công”, ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở KH&CN Sơn La, cho biết.
Về hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp – nhiệm vụ chính của Cục SHTT cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 6/2022, Cục đã nhận được gần 1 triệu đơn đăng ký và đã cấp gần 600 nghìn văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp. Để đẩy nhanh công tác xử lý, Cục đã áp dụng nhiều giải pháp quản lý, tổ chức công việc, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, kết quả xử lý đơn trong thời gian vừa rồi đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là năm 2021, lượng đơn xử lý đã ngang bằng với lượng đơn tiếp nhận.
Thách thức phía trước
Những nỗ lực của Cục SHTT không chỉ tạo ra những bước tiến lớn cho hệ thống SHTT mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. “Trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Quả thực, Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia có số đơn đăng kí sáng chế hàng đầu trong khu vực ASEAN trong thời gian tới”, bà Thitapha Wattanapruttipaisan, Trưởng Văn phòng đại diện của WIPO tại Singapore, nhận xét.
Dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận song nhìn về chặng đường sắp tới, “Cục SHTT đang đứng trước những thách thức và bộc lộ những hạn chế trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và yêu cầu ngày càng cao của xã hội", Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết. "Khối lượng công việc lớn, trong khi hầu hết các đơn vị thuộc Cục thiếu nhân lực và nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đơn đăng ký xác lập quyền tồn đọng còn nhiều và có xu hướng ngày càng tăng, trong khi năng lực xử lý đơn còn nhiều hạn chế, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Để giải quyết tình trạng này và chuẩn bị cho những bước tiến mới, “Cục SHTT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục hướng đến đổi mới, kiện toàn cơ cấu tổ chức, xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị và xử lý đơn tại Cục, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Cục SHTT, doanh nghiệp và xã hội; xây dựng mạng lưới các tổ chức hỗ trợ, bổ trợ về SHTT, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về SHTT”, ông Đinh Hữu Phí nói.