Theo Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt Nguyễn Đức Hòa, khái niệm năng lượng nguyên tử, hạt nhân không xa lạ với người dân, nhưng điều họ biết đến nhiều nhất vẫn là sự cố. Trong khi đó thực tế có rất nhiều ứng dụng hữu ích, và thông tin này cần được đến với họ nhiều hơn.

Sinh viên Đại học Đà Lạt thực hành với hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân OPR 1000 Core Simulator. Ảnh: Trung Nguyên
Sinh viên Đại học Đà Lạt thực hành với hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân OPR 1000 Core Simulator. Ảnh: Trung Nguyên

“Nhà nước cần triển khai thông tin rộng hơn tới người dân để họ biết về những ứng dụng phổ quát và ý nghĩa của hạt nhân, nguyên tử. Qua đó, để thấy việc phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử là tất yếu” - ông Hòa nói.

Đại học Đà Lạt là cơ sở đào tạo cung cấp nhiều cán bộ chuyên ngành hạt nhân. Trường đã phát triển đa ngành nhưng các ngành vật lý, hạt nhân vẫn là then chốt, đi đầu. Theo ông Hòa, trường có lợi thế là sinh viên vừa được đào tạo lý thuyết vừa có cơ hội tiếp cận lò phản ứng thật, trên thiết bị thật và những nghiên cứu thực tế.

Cụ thể, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chỉ nằm cách trường hơn 2km. Năm 2014, thiết bị mô phỏng lõi lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba được chuyển giao cho Đại học Đà Lạt với sự tài trợ của Hàn Quốc. Phòng thí nghiệm hạt nhân, các thiết bị máy gia tốc… cũng được đầu tư. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các sinh viên, cán bộ của Đại học Đà Lạt học tập, nghiên cứu và thực nghiệm.