Việc điều chỉnh DNA để tạo cho em bé các đặc điểm mà cha mẹ cho rằng sẽ tạo cơ hội tốt nhất cho con trong tương lai đã được cơ quan đạo đức hàng đầu nước Anh “bật đèn xanh”.
Hình minh họa. Nguồn:Theguardian
Hội đồng Đạo đức Sinh học Nuffield, Anh cho rằng việc thay đổi DNA trên bào thai người có thể “chấp nhận được trên phương diện đạo đức” nếu nó tạo điều kiện tốt nhất cho đứa trẻ và không tăng thêm những bất công mang tính chia rẽ đối với xã hội.
Báo cáo trên không nhằm mục đích kêu gọi pháp luật phải thay đổi để cho phép tạo ra các em bé biến đổi gen, mà thay vào đó thúc đẩy các nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này, cũng như các ảnh hưởng đến xã hội và những tranh cãi trên diện rộng về kết quả của nó.
Theo bà Karen Yeung, người đứng đầu hội đồng Nuffield kiêm giáo sư ngành luật, đạo đức và tin học tại Đại học Birmingham, chúng ta đều cho rằng việc bản thân chỉnh sửa bộ gen là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Tuy nhiên, chúng ta không có lý do gì để loại bỏ nó.
Tuy nhiên, báo cáo trên của Nuffield đã ngay lập tức vấp phải chỉ trích từ các bộ phận khác nhau, với một nhóm người chỉ trích các tác giả đã mở cửa cho việc lạm dụng chỉnh sửa gen không giới hạn, dẫn tới thời đại phân biệt các tính trạng di truyền tốt và xấu.
Các tiến bộ trong công nghệ di truyền đã tạo ra các công cụ hỗ trợ các nhà khoa học viết lại bộ mã DNA trên các tế bào sống đến từng chi tiết. Với quy trình trong tay, các nhà khoa học, về nguyên tắc, đã có thể thay đổi mã gen trên tinh trùng, trứng và phôi thai, từ đó thay đổi hoàn toàn sự phát triển trong tương lai của trẻ em.
Trong khi pháp luật nước Anh và một số nước khác hiện đang cấm thực hiện biến đổi gen trên bào thai, hàng loạt thí nghiệm trên thế giới đã cho thấy chỉnh sửa DNA có thể ngăn ngừa các bệnh di truyền nghiêm trọng do các gene “lỗi” gây ra.
Viễn cảnh phôi thai của con người chịu ảnh hưởng của biến đổi gen từ lâu đã là một chủ đề gây tranh cãi. Trước hết, tính an toàn của quy trình này vẫn chưa được kiểm chứng. Trong một nghiên cứu đăng tải trên Nature Biotechnology, các nhà nghiên cứu Anh quốc đã phát hiện công cụ chỉnh sửa gen phổ biến nhất hiện nay, Crispr-Cas9, gây ra nhiều tổn thương đến DNA nhiều hơn dự tính. Nếu phát hiện này là chính xác, kể cả khi được dùng để sửa các gene xấu, việc chỉnh sửa gene vẫn sẽ gây hại đến các gene khỏe mạnh.
Một mối lo ngại khác là việc thay đổi DNA của phôi thai cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tế bào bên trong, bao gồm trứng hoặc tinh trùng. Điều này có nghĩa là những tình trạng được thay đổi này sẽ được truyền qua tất cả các thế hệ sau.
Hơn nữa, trong đa số các trường hợp ngăn ngừa gene có hại di truyền, các phương pháp thay thế hoàn toàn có thể sử dụng, ví dụ như phương pháp chẩn đoán di truyền tiền cấy phôi – PGD (preimplantation genetic diagnosis hay preimplantation genetic testing).
Việc chỉnh sửa gene cũng làm tăng khả năng tạo ra các “em bé mẫu”, khi các mã di truyền của phôi thai được “viết” lại khiến trẻ có các đặc điểm cha mẹ mong muốn. Báo cáo mà Nuffield đưa ra không loại trừ bất kì ứng dụng cụ thể nào của việc biến đổi gene, nhưng đề cập rằng, để đảm bảo các nguyên tắc đạo đức, bất kì ứng dụng nào cũng phải tuân theo hai quy tắc: 1) vì lợi ích của đứa trẻ và 2) không gây ra ảnh hưởng xấu cho xã hội.
Jackie Leach Scully, giáo sư ngành Đạo đức Xã hội và Đạo đức Sinh học tại Đại học Newcastle, đồng tác giả báo cáo, cho rằng biến đổi gene di truyền một ngày nào đó sẽ là một lựa chọn cho các cặp cha mẹ “thử và bảo vệ khởi đầu mà họ cho là tốt nhất” cho đứa con trong tương lai.
Tuy nhiên, bà cũng đưa ra cảnh báo về những hậu quả không lường trước được nếu luật pháp cho phép thực hiện biến đổi gene trên phôi thai người. Dù công nghệ có tiềm năng làm giảm thiểu số lượng người bị ảnh hưởng bởi các rối loạn di truyền, nó cũng sẽ khiến những người không được hỗ trợ cảm thấy tách biệt với xã hội và nhận được ít hỗ trợ y tế hơn.
Bản báo cáo kêu gọi chính phủ thiết lập một cơ quan mới đảm bảo tối đa hóa các luồng ý kiến công luận về vấn đề này. Nếu pháp luật thay đổi, việc chỉnh sửa gene trên phôi thai cần được xem xét thực hiện dựa trên từng hoàn cảnh bởi Cơ quan Sinh sản và Phôi học Con người, bản báo cáo bổ sung thêm.
George Church, nhà di truyền học thuộc Đại học Havard và không liên quan tới dự án, bày tỏ ủng hộ với các nguyên tắc trong bản báo cáo rằng việc chỉnh sửa gene “không được làm gia tăng các thiệt thòi, phân biệt đối xử hay tách biệt trong xã hội”, bổ sung thêm các gợi ý về việc thực hiện với mức giá rẻ cùng các buổi đối thoại và giáo dục với người dân hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bà Marcy Darnovsky thuộc Trung tâm Di truyền học và Xã hội tại California, Hoa Kỳ cho rằng nếu được cấp phép, hoạt động chỉnh sửa gene sẽ được sử dụng cho các đột biến tăng cường và mục đích thẩm mỹ. Tuy chúng ta đã nhận thức được việc này sẽ làm tăng bất công và phân biệt trong xã hội, nhưng tệ hơn thế, nó sẽ mở ra một kỉ nguyên của những đặc điểm di truyền “nên có” hay “không nên có”.
Nguồn:https://www.theguardian.com/science/2018/jul/17/genetically-modified-babies-given-go-ahead-by-uk-ethics-body