Theo thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là thay đổi quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm đạt được hiệu suất cao hơn, thông qua đó đạt được các mục tiêu đề ra.
Ngày 30/9, trong chương trình Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo - Techconnect and Innovation Vietnam 2023 do Bộ KH&CN và tỉnh Quảng Ninh tổ chức đã diễn ra ba diễn đàn quan trọng. Một trong số đó là cuộc thảo luận về "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững".
Diễn đàn được mở ra trong bối cảnh Việt Nam muốn thay đổi bản chất của các hoạt động kinh tế, vốn nặng về thâm dụng tài nguyên và nhân lực, sang một nền kinh tế có giá trị tri thức cao hơn, đồng thời đáp ứng được các đòi hỏi mới về môi trường.
Quá trình này được khởi động bằng những nỗ lực về chuyển đổi số (số hóa các khía cạnh của doanh nghiệp) và chuyển đổi xanh (giảm tác động môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên).
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận ‘chuyển đổi số’ dưới góc độ đổi mới sáng tạo, nghĩa là không chỉ thuần túy ứng dụng công nghệ thông tin mà điều tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Tương tự, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất-kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Thực tế, chúng ta có thể thấy không ít những doanh nghiệp đang đứng trên cao của thành công nhưng nếu không đổi mới có thể bị đào thải. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi quy trình, thay đổi sản phẩm, không chỉ mua phần mềm, công nghệ về", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Rạng Đông, một công ty quốc nội sản xuất lâu đời, là ví dụ tiêu biểu cho việc chuyển đổi quy trình nội tại có thể giúp nâng cao năng suất và tạo ra những sản phẩm mới. Tại gian trưng bày của mình, Rạng Đông đã giới thiệu một loạt sản phẩm "make in Vietnam" tích hợp nhiều công nghệ 4.0 như công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghệ số.
Chúng bao gồm các thiết bị nhà thông minh tự động đóng ngắt, cột đèn chiếu sáng kết nối với trung tâm điều hành giao thông thông minh, các giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng phục vụ hiệu quả cho các tàu cá khi đánh cá ngoài khơi, trồng cây thanh long và các loại hoa quả khác.
Rạng Đông cho biết, họ đã đầu tư số tiền lớn vào hoạt động R&D và số hóa nhà máy sản xuất. Họ chọn cách chuyển đổi dần dần: ban đầu thay đổi một số quy trình hiện có bằng cách số hóa riêng lẻ; sau đó kết nối các quy trình, đồng bộ từng phần; cuối cùng là nâng cao, tối ưu nhiều hoạt động sản xuất để trở thành một nhà máy sản xuất thông minh, có hệ điều hành chung, khai thác được các nguồn lực một cách tối ưu.
Nhờ chuyển đổi số, năng suất của Rạng Đông tăng lên gấp rưỡi. Trước đây trong một tháng, số lượng đèn LED sản xuất ra được 5 triệu sản phẩm thì hiện nay, mỗi tháng sản xuất ra 7 triệu sản phẩm. Công ty đã quyết định ngừng sản xuất các bóng đèn huỳnh quang, compact hiệu suất thấp để chuyển hoàn toàn sang sản xuất các sản phẩm đèn LED hiệu suất cao.
Techconnect là hoạt động thường niên do Bộ KH&CN chủ trì tổ chức từ năm 2011. Mỗi năm, sự kiện được tổ chức ở một địa phương khác nhau như Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, v.v
|