Bên cạnh đó, số đề tài có công bố trên tạp chí quốc tế cao gấp 3 lần so với kế hoạch, và 100% số đề tài góp phần đào tạo sau đại học - cao hơn 20% so với mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chia sẻ tại Hội nghị tổng kết Chương trình KX.01. Ảnh: Anh Thư.

Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội"(KX.01/16-20) vào chiều 19/10.

Chương trình KX.01 được triển khai từ năm 2016, gồm 52 nhiệm vụ với sự tham gia của 33 tổ chức và gần 1.000 nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu trên cả nước.

Mục tiêu của Chương trình nhằm đánh giá toàn diện về kết quả, hạn chế, nguyên nhân của quá trình đổi mới kinh tế, xã hội, văn hóa trong 30 năm qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây; nhận diện các rào cản (thể chế, chính sách, quản lý, văn hóa...) và phương thức vượt qua rào cản để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đề xuất các thiết chế, mô hình chính sách gắn khoa học - công nghệ với sản xuất kinh doanh; nghiên cứu ảnh hưởng của các biến động trong khu vực và quốc tế đối với phát triển của Việt Nam.

Theo PGS. TS Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Chương trình KX.01, Chương trình về cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, một số chỉ tiêu về khoa học hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cụ thể, 40% số đề tài nghiên cứu đóng góp trực tiếp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; 80% số đề tài đưa ra kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương;...

Đặc biệt, 100% các đề tài trong Chương trình tạo ra các sản phẩm khoa học đặc thù trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn bao gồm các báo cáo tổng kết, bản kiến nghị hoàn thiện chính sách trong từng lĩnh vực, sách chuyên khảo, bài báo khoa học.

Trong số 15 đề tài đạt kết quả xuất sắc, có thể kể đến KX.01.52/16-20, đề tài đã xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long và các mô hình chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp vùng, làm tài liệu cho các cơ quan quản lý du lịch trên địa bàn cũng như các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch nông nghiệp địa phương. Đề tài KX.01.17/16-20 tạo ra Viện Đổi mới sáng tạo đặt tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, IoT, thương mại điện tử, nền tảng chia sẻ (ứng dụng trong giáo dục, F&B), giáo dục STEM, sản xuất thương mại, Fintech, quảng cáo trực tuyến, du lịch.

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chỉ ra, Chương trình KX.01 còn thiếu liên kết với các Chương trình khác. Trong giai đoạn tới, “trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình, chúng ta cần gia tăng sự liên kết giữa các vấn đề nghiên cứu nhiều hơn nữa, kế thừa kết quả nghiên cứu của nhau để nâng cao hiệu quả các Chương trình,” ông nhấn mạnh.