Chiều ngày 18/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp mặt xúc động và đầy ý nghĩa này.


Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

Chúng ta gặp nhau hôm nay trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch COVID-19 ở nước ta đã từng bước được kiểm soát, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nơi tâm dịch trong những tháng ngày vừa qua, dẫu rằng trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn và thách thức mà đại dịch gây ra nhưng chúng ta chưa thể dự báo hết.

Gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, thách thức hệ thống y tế nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Và đất nước chúng ta đã trải qua hoàn cảnh rất khó khăn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta rất nguy hiểm. Đó là cuộc chiến chống lại “kẻ thù virus” vô hình nguy hiểm, luôn biến hình, biến dạng để chống lại sự nỗ lực của loài người. Đó là thời điểm khan hiếm vaccine toàn cầu và việc này trở nên khó khăn hơn khi Việt Nam là đất nước đông dân, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn. Đó là thực trạng hệ thống y tế của đất nước ta còn nhiều hạn chế, khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh nghiệm chống dịch và vật lực y tế. Đó là thách thức không chỉ của riêng chúng ta khi việc chống dịch chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm… Đó là sự kéo dài của dịch bệnh từ đầu năm 2020 nên đến đợt dịch lần thứ 4, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đã bị tác động tiêu cực trong thời gian dài.

Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, chúng ta đã đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân và các biện pháp khác. Các trụ cột phòng chống dịch là giãn cách, cách ly hẹp nhất, nhanh nhất, chặt nhất có thể, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; điều trị từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Nhưng những điều này không phải ngày một ngày hai mà qua cuộc chiến cam go, gian khổ, kể cả mất mát, hy sinh, chúng ta mới có được.

Gần 2 năm qua, cả dân tộc ta đã dần dần đi qua dịch bệnh một cách kiên cường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quan điểm xuyên suốt là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát trong đợt dịch lần thứ 4 và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong hành trình của gần 600 ngày chống dịch, chúng ta đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái… Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước, họ không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, đặc biệt khi cuộc chiến diễn ra rất gay go. Chúng ta tự hào về những điều này. Đúng như câu tục ngữ “Sinh ra trong cõi hồng trần - Đời người phải lấy chữ Nhân làm đầu”. Những con người ấy đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí nhiễm bệnh, nhất là trong giai đoạn đầu chống dịch bệnh, vaccine còn ít. Những con người ấy đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch. Những con người ấy đã quên đi giấc ngủ, quên những bữa ăn, quên ngày quên tháng, quên Thứ Bảy, Chủ Nhật, quên đi sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, quên đi nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử… Nhưng đổi lại, họ cảm thấy ấm áp, vui mừng, tự tin khi từng bệnh nhân khỏi bệnh… Và những con người ấy dẫu có nghị lực kiên cường đến đâu cũng đã rơi nước mắt khi những bệnh nhân nặng không qua khỏi… Tất cả tiếp thêm nghị lực cho họ để sống đúng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y như từ mẫu” để chữa bệnh, cứu người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng cũng chính trong hành trình gian nan ấy, chúng ta đã chứng kiến nhiều anh chị em đã bị nhiễm bệnh và có những người đã ra đi mãi mãi. Không thể miêu tả hết, ghi hết những cam go, khó khăn, khốc liệt trong phòng chống dịch, những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y, đặc biệt là của những y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã đánh giá cao, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của họ và các lực lượng tuyến đầu trong thời gian vừa qua. Với tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của nhân dân bị dịch bệnh đe dọa, chỉ riêng trong đợt dịch thứ 4, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả những học viên và sinh viên ngành y ở nhiều địa phương trên cả nước đã hăng hái trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nguy hiểm nhất, nóng bỏng nhất, những nơi nhân dân cần nhất.

Tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là gần 24 nghìn người; ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 02 điều dưỡng và 01 bác sĩ ra đi mãi mãi. Ngành y tế đã và đang khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khoẻ của người dân. Trong một thời gian ngắn, chúng ta triển khai hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng trăm trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị bệnh nhân, giảm chuyển nặng, giảm tử vong, trong khi nếu điều kiện bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện. Chúng ta trân trọng những gì đã làm được tốt nhất có thể trong điều kiện hết sức khó khăn.

Hơn 24 nghìn người thuộc ngành y tham gia chống dịch là hơn 24 nghìn bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Chúng ta tự hào, qua mỗi thử thách cam go, đội ngũ y tế của chúng ta càng trưởng thành, cả về bản lĩnh, ý chí, cả về lòng quả cảm, cả về kiến thức chuyên môn và nhất là tình đồng bào, nghĩa đồng chí lớn lao thể hiện qua công việc. Qua đây, chúng ta tự tin khẳng định: Dù khó khăn, gian khổ chừng nào, chúng ta cũng vượt qua được nếu chúng ta đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, đùm bọc, thương yêu, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tất cả vì nhân dân, góp phần đưa đất nước hùng cường và thịnh vượng. Bên cạnh đó, khó khăn, thử thách cũng làm bộc lộ ra những hạn chế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn lại, có giải pháp khắc phục, như về năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở.

Như câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch... Có nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh…

Nhân dịp này, tôi cũng chia sẻ, đánh giá cao và cảm ơn người thân, gia đình của các y, bác sĩ, nhân viên y tế thời gian qua đã luôn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc để mỗi nhân viên y tế nơi tuyến đầu yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình.


Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa các đồng chí, các anh chị em!

Để thực hiện thành công chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên.

Tôi đề nghị và mong muốn lực lượng y tế tuyến đầu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả tích cực, những kinh nghiệm quý thời gian qua, tiếp tục cống hiến, tích cực cho công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã rất biết ơn và quan tâm đến đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế, dù chưa được trọn vẹn, mong các đồng chí chia sẻ, cảm thông.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và động viên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, nhất là lực lượng y tế, bảo đảm công bằng, bình đẳng.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, phức tạp và có thể nguy hiểm hơn. Đội ngũ cán bộ y tế sẽ còn rất nhiều gian nan, vất vả. Vì vậy, tôi đề nghị ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; trong đó, hết sức chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan, các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên hợp lý, không gây phiền hà cho nhân dân, xây dựng kế hoạch cho thời gian sắp tới, chuẩn bị vaccine cho năm 2022 và tiêm vaccine cho trẻ em, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước, chuẩn bị chủ động về thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế có đề án xây dựng ngành “COVID học”.

Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình; động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu, phổ biến nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phòng chống dịch.

Tôi đề nghị đội ngũ y bác sĩ qua thực tiễn công tác, kinh nghiệm của mình tham mưu các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc và kiến nghị xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngày càng hoàn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, các cấp, các ngành tiếp tục ủng hộ, đoàn kết, đề cao tính chủ động, ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, coi đó là hành động thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu; tiếp tục đóng góp, hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng, chống dịch.

Chúc các anh chị em y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, thầy thuốc, những chiến sĩ trên mặt trận chống COVID-19, những người gánh vác sứ mệnh cao cả nhưng rất đáng tự hào luôn mạnh khoẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.