Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3), nhằm hướng đến xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo Đề án 996.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo của các Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Ứng dụng KHCN có chức năng kiểm định và doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Đề án 996) được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/08/2012 tại Quyết định số 996/QĐ-TTg.
Mục tiêu chính của Đề án là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; Xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, quy hoạch phát triển bộ, ngành và địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL chia sẻ, “Bộ và Tổng cục coi Khu vực phía Nam là cái nôi để thí điểm Đề án 996. Đề án nhận được sự quan tâm, ủng hộ tham gia rất tích cực các Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL và các doanh nghiệp. Tại hội thảo hôm nay, chúng tôi mong muốn nhận được sự góp ý, chia sẻ của quý vị để có thể thực hiện chương trình một cách tốt hơn. Trong quá trình thực hiện chương trình, các đơn vị nếu có gặp phải khó khăn sẽ có QUATEST 3 hỗ trợ”.
Ông Trần Quý Giầu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đo lường Tổng cục TCĐLCL, cho biết, để triển khai chương trình đảm bảo đo lường, Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức các buổi tham luận, hội thảo tại khu vực phía Bắc, miền Trung. Chương trình hiện đã được 3 Bộ và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, phê duyệt kế hoạch, đề xuất nhu cầu thực hiện và đã triển khai thực hiện tại một số địa phương. Do đó, tại hội thảo này sẽ chia sẻ kinh nghiệm về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Nói về lợi ích của doanh nghiệp khi xây dựng, triển khai Chương trình đảm bảo đo lường, ông Nguyễn Hùng Điệp, Chuyên gia Tổ tư vấn Đề án chia sẻ: Được hỗ trợ kinh phí tư vấn và một số nội dung khác; Tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Kiểm soát phát thải ra môi trường; bảo đảm an toàn lao động, bảo; Bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, hàng hóa toàn cầu; Được hưởng quyền lợi khi tham gia Chương trình thi đua khen thưởng: Được cấp giấy chứng nhận; sử dụng logo; nhận giải thưởng; quảng bá hình ảnh trong các hoạt động truyền thông của Chương trình...
Ngoài các chia sẻ trên, tại hội thảo đại diện của QUATEST 1, QUATEST 3 và một số doanh nghiệp cũng đã chia sẻ thực tế kinh nghiệm về việc các đơn vị triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. Đó là các bài học giúp các doanh nghiệp đi sau rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện hiệu quả hơn Chương trình đảm bảo đo lương. Đánh giá tổng quan về kết quả thực hiện chương trình tại các doanh nghiệp, các đại diện đều cho rằng, đảm bảo đo lường đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất hiệu quả, tiết giảm chi phí…
Theo ông Hà Minh Hiệp, việc áp dụng chương trình đảm bảo đo lường giúp các tổ chức, doanh nghiệp lượng hóa đóng góp của đo lường đối với năng suất, giá trị gia tăng cho tổ chức, doanh nghiệp mình. "Trong quá trình triển khai sau này, nếu có vấn đề vướng mắc cần hướng dẫn, các đơn vị với sự hỗ trợ của Vụ Đo lường sẽ đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp”, ông Hiệp nói.