Không bất ngờ trước việc Mỹ phát hiện trường hợp đầu tiên trên thế giới mắc vi khuẩn kháng lại mọi kháng sinh, TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết Bệnh viện Việt Đức từng điều trị thành công cho một số bệnh nhân kháng tất cả kháng sinh được thử.
Cùng với việc công bố ca mắc chủng E.Coli hiếm gặp siêu kháng thuốc kể trên vào ngày 26/5, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo, vi khuẩn này có thể lây lan, tạo thành đại dịch nhiễm trùng vô phương cứu chữa trên toàn cầu.
Nhiều ca siêu kháng thuốc ở Việt Nam
Chia sẻ với báo giới thông tin về ca bệnh được coi là trường hợp đầu tiên mắc vi khuẩn kháng mọi loại thuốc - một phụ nữ 49 tuổi đến từ bang Pennsylvania - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Thomas Frieden nói: “Chúng ta đang có nguy cơ sống trong một thế giới hậu kháng sinh khi đã xuất hiện bệnh nhiễm trùng đề kháng với cả Colistin - loại kháng sinh vốn được dùng để điều trị loại vi khuẩn nguy hiểm nhất”.
Theo ông Frieden, kho thuốc hiện nay đã mất tác dụng với một số bệnh nhân và thời đại hoàng kim của kháng sinh “sẽ đi đến hồi kết nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ”. Ông kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới đẩy mạnh công tác nghiên cứu để sớm phát triển và điều chế các loại kháng sinh mới có thể bảo vệ thế hệ hiện tại và tương lai.
Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội - cho biết, ông hoàn toàn không bất ngờ về thông tin trên. Theo ông, Bệnh viện Việt Đức đã vài lần gặp trường hợp khi làm kháng sinh đồ cho bệnh nhân thì thấy kháng tất cả thuốc được thử. Các bác sỹ cho dùng gộp nhiều loại thuốc, gọi là “cộng hưởng kháng sinh” và đã cứu được bệnh nhân. Theo TS Quyết, nhiều cơ sở cũng phát hiện các trường hợp tương tự nhưng không công bố.
PGS-TS Nguyễn Thái Sơn - bộ môn Vi sinh - y học, Học viện Quân y 103 - cũng thừa nhận ở Việt Nam - cụ thể là các bệnh viện quân y 103, 108 và Bạch Mai - từng gặp những bệnh nhân kháng toàn bộ kháng sinh hiện có của bệnh viện. Tuy nhiên, chưa ai đối chiếu xem với những bệnh nhân đó, liệu các kháng sinh đã được thử có phải là toàn bộ kháng sinh có ở Việt Nam hay không, nên chưa thể kết luận để công bố là kháng mọi loại thuốc như trường hợp ở Mỹ.
“Mỹ phản ứng nhanh hơn và đã công bố, còn Việt Nam thì chưa có dự án tổng thể về việc này” - ông Sơn nói.
Việt Nam có khả năng tạo kit thử
Từng tham gia nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất kit PCR đa mồi chẩn đoán lao và lao kháng thuốc” thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015, TS Nguyễn Thái Sơn cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu bộ kit chẩn đoán nhanh vi khuẩn siêu kháng thuốc.
Sở dĩ khẳng định được điều này vì bộ kit chẩn đoán lao và lao kháng thuốc kể trên cho phép phát hiện lao và lao kháng thuốc bằng kỹ thuật PCR và realtime PCR đa mồi. Hiện các nhà khoa học Việt Nam đã hoàn thiện quy trình công nghệ, nâng cấp độ nhạy, độ đặc hiệu, độ ổn định và tiêu chuẩn sơ sở của 2 bộ kit này. Từ cơ sở đó, TS Nguyễn Thái Sơn cho biết, về mặt cơ chế hoàn toàn có thể nghiên cứu tạo ra những bộ kit thử tương tự.
“Muốn phát hiện siêu vi khuẩn kháng thuốc thì phải dùng kit khác. Hiện Học viện Quân y đang đề xuất lên Bộ Khoa học và Công nghệ để đầu tư nghiên cứu, sản xuất bộ kit phát hiện các siêu vi khuẩn kháng thuốc. Nghiên cứu này thuộc giai đoạn 2016-2020 của chương trình KC.10” - TS Sơn tiết lộ.
Theo thống kê, riêng tại Mỹ tình trạng kháng kháng sinh đã khiến ít nhất 2 triệu người mắc bệnh và 23.000 người tử vong mỗi năm.
Việc các bác sỹ và bệnh nhân lạm dụng kháng sinh cũng như nạn sử dụng tràn lan loại thuốc này trong ngành chăn nuôi đang là một vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng kháng kháng sinh hiện nay.
TS Nguyễn Tiến Quyết cảnh báo, người bệnh cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng kháng sinh cũng như sử dụng những sản phẩm chăn nuôi có dư lượng kháng sinh vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Việc lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, tình trạng kháng thuốc ngày càng nghiêm trọng, hậu quả là việc chữa trị bệnh càng trở nên khó khăn.