Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo (IIBF) tổ chức ngày 2/6/2016 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng nhu cầu khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ của Việt Nam là hiện thực và có xu hướng ngày càng gia tăng.
IIBF là diễn đàn quốc tế thường niên được tổ chức nhằm đem lại cơ hội
giao lưu và học hỏi thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đổi
mới sáng tạo (ĐMST) trong kinh doanh là con đường duy nhất để doanh
nghiệp Việt Nam có thể bắt kịp và phát triển trong giai đoạn hội nhập
kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
“Nhận diện cơ hội mới trong môi trường biến động toàn cầu” là chủ đề của Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo lần 3 được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức ngày 2/6/2016 tại TP.HCM.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thiết thực cho doanh nghiệp như định giá và kinh doanh
tài sản trí tuệ (TSTT) trong nền kinh tế hội nhập; Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam; mô hình doanh nghiệp sáng tạo để thích ứng thời đại số; phát triển kinh doanh từ nền nông nghiệp thông minh; cái giá của chất lượng trong giai đoạn hội nhập mới;…
Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc IIBF lần 3 Các diễn giả cho rằng, ĐMST là một tính từ không thể thiếu trong khởi nghiệp, tạo nên sự đột phá cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không ĐMST sẽ không phát triển bền vững. Trong khi đó, không khí khởi nghiệp ở Việt Nam đang khá sôi nổi nhưng kết quả mang lại chưa khả quan như mong đợi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có nhiều thời gian để ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển kéo dài nhiều năm, thậm chí mấy chục năm hoạt động khởi nghiệp mới có thể thành công. Để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, cần sự tham sâu rộng hơn của các doanh nghiệp Việt Nam. Khi các doanh nghiệp quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp bên ngoài thì cũng vô tình tạo ra được văn hóa khởi nghiệp ngay bên trong chính doanh nghiệp của mình. Đây cũng là cơ hội đem lại lợi ích kinh doanh lớn hơn cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, số lượng
tài sản trí tuệ được Li-xăng (chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp) giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam và chuyển nhượng cho nước ngoài ngày càng tăng ở những năm gần đây. Điều đó cho thấy nhu cầu khai thác và sử dụng
tài sản trí tuệ của Việt Nam là hiện thực và có xu hướng ngày càng gia tăng.
Theo Thứ trưởng, để kinh doanh TSTT có hiệu quả, trước hết doanh nghiệp cần hiểu biết về loại tài sản này và có chiến lược quản trị thích hợp. Doanh nghiệp không chỉ phải dành khoản đầu tư cho hoạt động tạo dựng, phát triển, đăng ký TSTT mà còn phải có kiến thức về khả năng khai thác, sử dụng tài sản đó.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh TSTT chỉ thực sự phát huy vai trò nếu thể chế bảo hộ quyền SHTT thực sự mang tính đầy đủ và có hiệu quả. Để đảm bảo điều đó, hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật về SHTT cần thiết lập những nguyên tắc bảo hộ rõ ràng, dành độc quyền cho SHTT thực sự xứng đáng, có khả năng ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi cố ý xâm phạm quyền tài sản, chú trọng cơ chế dân sự trong giải quyết tranh chấp.