Hầu hết các chính sách an sinh xã hội hiên nay đang tập trung hỗ trợ cá nhân mà chưa xem xét gia đình như một đơn vị an sinh. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu cho thấy các chính sách tiếp cận theo hộ gia đình đem lại hiệu quả hơn.
Đó là những ý kiến được các chuyên gia đưa ra trong hội thảo "Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" diễn ra vào ngày 4/10 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Là chính sách cơ bản nhằm bảo đảm an toàn thu nhập và cuộc sống cho người dân, chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam luôn được quan tâm xây dựng, từ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp ốm đau, tuổi già, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, người tàn tật, trợ cấp tuất,… Mặc dù vậy, hiện nay hệ thống an sinh xã hội Việt Nam vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là người dân ở cấp cơ sở, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận xét.
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: VASS
"Điều này được phản ánh bằng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn khiêm tốn; chế độ mức hưởng thấp; khả năng tiếp cận và nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách eo hẹp và dàn trải của nhà nước", ông cho biết.
Kết quả khảo sát 1.818 hộ gia đình trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố trong khuôn khổ đề tài "Chính sách an sinh xã hội cho các gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" (2016-2019) do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thực hiện cũng cho thấy chỉ 16% hộ gia đình tiếp cận được vay vốn ngân hàng. Khoảng 1/3 hộ nghèo và cận nghèo được miễn giảm học phí; 12,6% hộ có người cao tuổi được hỗ trợ tiền mặt theo quy định hiện hành và chủ yếu ở khu vực đô thị. Đây là những con số khiêm tốn so với nhu cầu an sinh xã hội của các gia đình hiện nay.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn thiên về các cá nhân mà chưa xem xét gia đình như một đơn vị an sinh. Hầu hết các chính sách tập trung vào hỗ trợ cá nhân như người khuyết tật, người cao tuổi, học sinh nghèo, đối tượng học nghề, người có công với cách mạng,…
Theo GS.TS. Đặng Nguyên Anh, cách tiếp cận này đã hạn chế hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội. "Những tiêu chí nghèo đa chiều hiện nay đang được triển khai trên toàn quốc như học hành, tiếp cận thông tin, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường,… được xác định trên cơ sở cá nhân trong hộ rất bất hợp lý và gây khó khăn cho việc xác định hộ nghèo", ông nói. Việc chia nhỏ nguồn lực vốn đã hạn chế càng làm giảm hiệu quả trợ giúp.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng cách tiếp cận theo cá nhân đang tạo ra những khoảng trống trong chính sách an sinh xã hội. "Đơn cử với người già chúng ta mới chỉ có chính sách trợ cấp cho những người đủ 80 tuổi trở lên và không có nguồn thu nhập nào, còn lại khoảng trống với 55 tuổi (nữ) và 60 tuổi (nam) đến 80 tuổi - những người quá độ tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện này", ông nhận định.
Bởi vậy, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị bên cạnh việc hỗ trợ từng cá nhân, các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam nên bổ sung hướng hỗ trợ theo hộ gia đình. Điều này cũng phù hợp với Công ước số 102 của Tổ chức lao động quốc tế về các tiêu chuẩn an sinh xã hội cơ bản, trong đó trợ cấp cho gia đình thuộc 8 nhóm chính sách an sinh xã hội cơ bản.
"Nhiều kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy các chính sách tiếp cận theo hộ gia đình cũng đem lại hiệu quả hơn", GS.TS. Đặng Nguyên Anh cho biết.
Trên thực tế, kết quả khảo sát 1.818 hộ gia đình trong nghiên cứu nêu trên cũng cho thấy phần lớn người dân mong muốn tập trung chính sách an sinh xã hội cho hộ gia đình (43%), chỉ có 25% đồng ý hỗ trợ cho cá nhân.