Một trong số 4 chủng vi khuẩn sử dụng để làm chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng Sáng chế (số 37596)
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp bằng sáng chế cho TS. Lê Thị Nhi Công và các đồng nghiệp thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) về chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu.
Ô nhiễm dầu trong môi trường đang ở mức đáng lo ngại do dầu thường có độc tính cao và tương đối bền vững trong môi trường. Trong số các quy trình xử lý đã được áp dụng như cơ học, vật lý, hóa học, sinh học... thì quy trình sinh học là một trong những quy trình xử lý triệt để, thân thiện với môi trường và có chi phí thấp.
Theo
thông tin từ Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), với mong muốn tạo ra được các chế phẩm sinh học như vậy, TS. Lê Thị Nhi Công và các đồng nghiệp thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Hoàn thiện chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu”.
Đề tài đã chế tạo thành công chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng 4 chủng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu. Chế phẩm có dạng rắn, có mật độ vi sinh vật đạt > 109 CFU/g. Chế phẩm có hiệu quả loại bỏ hydrocarbon no và thơm >90 % sau 07 ngày thử nghiệm. So sánh chế phẩm này với các sản phẩm hóa học và sinh học đang có trên thị trường thì có thể thấy chế phẩm này là sự kết hợp của cả 3 phương pháp vật lý (cơ chế hấp phụ), hóa học (sự chuyển hóa các chất) và sinh học (sử dụng vi sinh và giá thể sinh học, không gây ô nhiễm môi trường).
Các chế phẩm của đề tài đã được thử nghiệm áp dụng để xử lý ô nhiễm dầu tại các khu vực bị nhiễm dầu tại Việt Nam như: Vân Phong, Khánh Hòa, Thường Tín...
Một trong số 4 chủng vi khuẩn sử dụng để làm chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng Sáng chế (số 37596) với gọi: “Chủng vi khuẩn Acinetobacter baumanni QN01 thuần khiết về mặt sinh học có khả năng tạo màng sinh học và phân hủy dầu diezen, toluen, naphthalen, phenol và pyren có trong dầu mỏ”.
Tuấn Đỗ