Trong cuộc hội thảo được tổ chức ngày 14/11 tại Hà Nội này, ông Meir Dardashti - Vườn ươm Ideality Roads - nói: “Trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về vươn ươm, tuy nhiên ở Israel vườn ươm được hiểu là một hình thức hợp tác công tư, trong đó Nhà nước đóng vai trò rất cần thiết trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua giai đoạn đầy rủi ro ban đầu, khi doanh nghiệp dễ thất bại và rất khó để kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân”.
Ông Meir nhấn mạnh, việc xây dựng và duy trì một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không phải quá trình ngẫu nhiên mà cần có sự tham gia của chính phủ.
Cũng chính vì thế, ngân sách trung bình đầu tư cho mỗi dự án mà Chính phủ Israel cấp cho các doanh nghiệp là 600.000USD trong vòng 2 năm. Với dự án thuộc lĩnh vực đặc thù như về công nghệ sinh học sẽ nhận được khoản đầu tư lớn hơn. Đây không phải số tiền lớn, nhưng giúp doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm ban đầu trước khi thương mại hóa. “Nếu doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, họ có trách nhiệm hoàn trả dần số tiền đầu tư của chính phủ. Tuy nhiên, nếu không thành công, họ thậm chí không phải chi trả khoản tiền nào mà còn được tiếp tục nộp hồ sơ xin đầu tư từ chính phủ.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển càng trưởng thành thì mức rủi ro càng giảm, theo đó mức đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân sẽ càng tăng. Vì vậy nhìn lại bức tranh tổng quan sau hơn 20 năm đầu tư, cho các startup, kinh phí đầu tư của chính phủ Israel tăng không nhiều, nhưng chính sách này lại kích thích được các công ty tư nhân tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, với số vốn lớn gấp nhiều so với đầu tư từ chính phủ” - ông Meir tiết lộ.
Đối với kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài cho nghiên cứu phát triển, chuyên gia đến từ Israel cho biết, thực tế các công ty nước ngoài khi đầu tư vào Israel không nhận được bất cứ chính sách ưu tiên nào. Việc ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài thực tế không phải chính sách tốt vì sẽ chỉ thu hút được các doanh nghiệp chạy theo lợi ích trước mắt chứ không vì lợi ích chiến lược lâu dài của một quốc gia.
“Để thu hút doanh nghiệp Việt Nam nên có chính sách để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội mà họ có thể đạt được. Cái cần làm là cho nhà đầu tư thấy chính sách, hệ sinh thái để họ tham gia vào” - ông Mei nhấn mạnh.
Đánh giá cao những chính sách của Israel, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm đầu tư cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng nêu rõ khó khăn về văn hóa chấp nhận thất bại của một đất nước Á Đông. “Thể chế và pháp luật có thể hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo cũng như biến việc chấp nhận thất bại trở thành văn hóa cần một thời gian dài. Ví dụ, việc nhưng startup đã thất bại và tiếp tục làm hồ sơ xin tài trợ ở Việt Nam rất khó để được chấp nhận như Israel. Điều này sẽ được tiếp tục nỗ lực cải thiện” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.