Một số vấn đề về đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã được nêu ra trong buổi tham vấn về đề án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo do Sở KHCN TP.HCM và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng 10/3.
Sáng 10/3, Sở KHCN TP.HCM và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức buổi tham vấn cộng đồng và chuyên gia về đề án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016 – 2020.
Buổi tham vấn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cũng như hoạt động khởi nghiệp.
Theo ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch tập đoàn Viet Nam Consulting Group (VCG), dựa theo khả năng tham gia vào chuỗi giá trị và khả năng tiếp cận thị trường, có thể chia doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.HCM ra thành 3 nhóm:
Đầu tiên là nhóm doanh nghiệp sản xuất gia công theo đơn hàng. Đối với nhóm doanh nghiệp này, giảm giá thành là tiêu chí quan trọng nhất. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho số đông lực lượng lao động vì chủ yếu hoạt động trong ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày...
Nhóm thứ 2 là doanh nghiệp có thị trường và định hướng tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, có sự khác biệt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Nhóm doanh nghiệp này không chỉ tạo ra việc làm mà một số còn đóng vai trò chính trong chuỗi giá trị ngành hàng. Tiêu biểu như một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, thủy sản, thực phẩm tinh...
Nhóm cuối cùng là loại hình doanh nghiệp sáng tạo thực sự, ứng dụng công nghệ tăng năng suất như một số doanh nghiệp ứng dụng phần mềm, tạo sản phẩm/ dịch vụ mới với chất lượng vượt trội ở mức giá cạnh tranh và tạo ra luật chơi mới trên thị trường, thách thức các doanh nghiệp lớn thống lĩnh thị trường trong thời gian dài.
Đánh giá về sự phát triển của doanh nghiệp TP.HCM trong thời gian qua, ông Đức cho rằng, số lượng các doanh nghiệp đăng ký là doanh nghiệp KHCN còn tương đối thấp. Theo báo cáo của Sở KHCN TP.HCM, hiện mới chỉ có 22/121.107 doanh nghiệp đang hoạt động được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Nghiên cứu trên 589 doanh nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, 72% doanh nghiệp không có chính sách đầu tư về nhân lực và 78% chưa đầu tư tài chính cho hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D), 80% số này cũng không có đối tác cho hoạt động R&D.
Văn hóa trong doanh nghiệp cũng chưa khuyến khích sáng tạo khi 50% lãnh đạo trong tổng số 589 doanh nghiệp được khảo sát chấp nhận sai sót khi nhân viên làm sai. Phần lớn doanh nghiệp chưa tạo điều kiện chia sẻ thông tin và văn hóa học tập cho nhân viên.
Cũng theo một khảo sát trên 143 doanh nghiệp của ADB, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm đạt mục tiêu ngắn hạn hơn là dài hạn. Một số doanh nghiệp đã chọn hình thức hợp tác hoặc bán một phần cổ phần của công ty cho đối tác nước ngoài. Thông qua đó, đã tiếp cận đến nguồn cung cấp công nghệ, thiết bị mới nhất có chất lượng và giá rẻ hơn thay vì tự nghiên cứu. Hàng năm, có bình quân 10.000 nhãn hàng mới được đăng ký trên tổng số 121.000 doanh nghiệp. Tính trung bình ra, cứ 12 doanh nghiệp mới có được 1 nhãn hàng đăng ký. Có những doanh nghiệp phải trả chi phí mua thiết bị máy móc nhập khẩu cao gấp 2 – 3 lần do phải mua đơn lẻ và qua trung gian vì không có đối tác quốc tế...
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có còn hạn chế trong khả năng tiếp thu và tối ưu hóa đổi mới sáng tạo. Khi thay đổi thiết bị và sản phẩm mới lại không đi cùng với tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, marketing, quản lý tương thích nên không sử dụng hết công suất thiết bị công nghệ dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.
Theo ông Đức, hiện do thiếu thông tin và tư vấn nên việc lựa chọn công nghệ để đầu tư của doanh nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào nhà cung ứng và nhu cầu của khách hàng. Việc ít sử dụng thông tin từ chuyên gia tư vấn và các báo cáo thị trường dẫn đến khả năng đi trước đón đầu và đột phá không cao.
Để giải quyết những vấn đề nói trên, ông Đức cho rằng, trong thời gian tới, TP.HCM cần phải thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ một cách đồng bộ từ cơ chế về tài chính đến phát triển nhân sự cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, phải xác định một vài ngành ưu tiên để thiết kế, triển khai nhằm tạo được kết quả cụ thể, từ đó, làm đòn bẩy thúc đẩy cho các lĩnh vực khác.