Để có được những mẫu lúa bệnh ở vùng đất ngập mặn, hai nữ sinh viên trường ĐH mở TP.HCM đã tự biến mình thành những “phượt thủ”, vượt quãng đường cả trăm km bằng xe máy để kiếm mẫu về thực hiện đề tài nghiên cứu.
Để có được những mẫu đất, nước, nội sinh… cho đề tài nghiên cứu của mình, Đinh Thị Hiền và Nguyễn Thị Mai Thi, hai nữ sinh viên của trường Đại học Mở TP HCM đã phải tìm về những vùng đất ngập mặn của tỉnh Tiền Giang, Long An, cách Sài Gòn cả trăm km để tìm kiếm. Vì điều kiện không cho phép nên nhóm phải đi đi về về hàng ngày.
“Nhóm cũng muốn ở lại để có nhiều thời gian hơn trong việc kiếm mẫu, nhưng những khu vực ngập mặn này khá hoang vu, vắng vẻ nên không thể tìm được chỗ ở. Vậy là cả hai cứ sáng chạy xe máy đi, chiều lại chạy xe máy về như vậy ròng rã suốt cả 1 tuần lễ” - Đinh Thị Hiền, trưởng nhóm nghiên cứu kể.
Theo tìm hiểu của nhóm, diện tích đất trồng trọt bị ảnh hưởng mặn khoảng 380 triệu ha, chiếm 1/3 lượng đất trồng trên thế giới. Việc xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và tăng trưởng của lúa. Điều này dẫn đến việc năng suất lúa bị giảm.
Ở những nơi có nồng độ muối cao, cây lúa sẽ có khả năng bị chết. Theo thói quen của người dân, mỗi khi lúa bị bệnh, bà con sẽ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học để tiêu diệt mầm bệnh.
Tuy nhiên, phương pháp này nếu sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc ô nhiễm nguồn nước và đất, xuất hiện các chủng gây bệnh có khả năng kháng thuốc, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người trong quá trình tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Vì thế, nhóm đã quyết định thực hiện đề tài "Sàng lọc vi khuẩn chịu mặn có khả năng kích thích tăng trưởng và kiểm soát sinh học bệnh đạo ôn và khô vằn trên lúa ngập mặn".
Để thực hiện nghiên cứu của mình, nhóm đã tiến hành lấy hàng chục mẫu thí nghiệm bao gồm: mẫu đất, mẫu nước, mẫu nội sinh ở Long An và Tiền Giang. Sau đó tiếp tục lấy 4 mẫu bệnh đạo ôn và khô vằn tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Giống lúa để thử nghiệm là lúa OM6561 do trung tâm giống Nông Lâm Ngư Nghiệp cung cấp.
Mẫu thân, rễ, đất, nước và các mẫu bệnh được tiến hành quá trình phân lập nhằm sàng lọc các hoạt tính kích thích và kiểm soát nấm. Sau quá trình phân lập sẽ chọn được 87 loại vi khuẩn và hai chủng nấm Pyricularia BP3 gây bệnh đạo ôn và chủng Rhizotocnia CR1 gây bệnh khô vằn.
Trong 87 loại vi khuẩn nhóm sẽ tiếp tục thử nghiệm khả năng kích thích và khả năng kháng nấm và tìm ra được 4 chủng vi khuẩn gồm: TĐ16, TĐ9, TĐ13, TS3 có tiềm năng kích thích cây lúa cao nhất. Các chủng vi khuẩn này sẽ được tăng sinh khối lượng vi khuẩn lên và trộn với chất phụ gia như bột mì, bột bắp để tạo thành chế phẩm sinh học dạng bột hoặc dạng nước để sử dụng trong đất mặn.
Do không có môi trường thực tế là các ruộng lúa ngập mặn để thử nghiệm nghiên cứu, nên nhóm phải tự tạo môi trường ruộng lúa trong các chậu xốp mini để kiểm tra chất lượng và độ chính xác của kết quả thí nghiệm. Tuy nhiên việc tạo môi trường tự nhiên để gây bệnh cho cây lúa ngay trong thùng xốp không phải là việc đơn giản.
“Độ ẩm thích hợp để gây bệnh trên cây lúa là 90% nên chúng em phải duy trì mức độ ổn định độ về độ ẩm trong môi trường. Ngoài ra, quá trình trồng lúa trong chậu xốp, chúng em phải giữ cho độ mặn của đất phải ổn định để đảm bảo quá trình thử nghiệm chính xác.
Nhiều khi đêm về em cứ lo lắng trong lòng không dám chợp mắt. Bởi vì, nếu độ mặn không được giữ ổn định coi như mọi công sức đổ xuống sông xuống biển” - Nguyễn Thị Mai Thi, thành viên nhóm cho biết.
Kết thúc quá trình thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã cho ra được những kết quả khả quan. 4 chủng vi khuẩn TĐ16, TĐ9, TĐ13, TS3 cho khả năng kích thích cây lúa cao nhất với tỉ lệ trên 70%. Với 2 chủng vi khuẩn LĐ 5 và hỗn hợp 2 chủng LĐ5 và LS6 có khả năng kiểm soát bệnh khô vằn và đạo ôn xấp xỉ 40%.
Với những tín hiệu đáng khả quan từ quá trình nghiên cứu, đề tài hữu ích của Đinh Thị Hiền và Nguyễn Thị Mai Thi đã giành được giải 3 tại cuộc thi sinh viên nghiên cứu KH Euréka 2015 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.