Ngày 25/3, Liên minh châu Âu (EU) và Đức đã đi đến thỏa thuận sau khi tranh cãi về kế hoạch dừng bán xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch - như xăng, dầu diesel hoặc các nhiên liệu hoá thạch khác - vào năm 2035.

Các nhà lập pháp EU đã bỏ phiếu cấm bán ô tô có động cơ đốt trong mới trong khối châu Âu vào năm 2035.

Kế hoạch loại bỏ các phương tiện gây ô nhiễm là phần mấu chốt trong chính sách khí hậu của EU, do các loại xe ô tô và xe tải đóng góp 15% lượng khí nhà kính. Khối châu Âu có tham vọng trở thành nền kinh tế “trung lập về khí hậu” vào năm 2050. Trong nền kinh tế này, mọi hoạt động của con người đều giảm phát thải nhà kính nhiều nhất có thể, đồng thời cũng bù đắp cho lượng khí thải còn lại. Như vậy, các nền kinh tế "trung lập về khí hậu" sẽ đạt được lượng khí phát thải ròng bằng không.


Tháng 2/2023, đạo luật này đã được Nghị viện châu Âu thông qua, chỉ còn chờ các nhà lãnh đạo của khối đóng dấu là hoàn tất thủ tục. Song, vào phút chót, Đức - một trong những nước sản xuất xe ô tô hùng mạnh - đã cản trở đạo luật này.

Các nhà sản xuất ô tô lớn khác tại Ý, Ba Lan và Hungary cũng đứng về phía Đức để phản đối đạo luật cấm xe động cơ đốt trong.

Tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tuần lễ do Đức yêu cầu Ủy ban châu Âu phải đảm bảo đạo luật này cho phép bán xe ô tô mới có động cơ đốt trong kể cả sau thời hạn 2035, miễn là chúng chạy bằng nhiên liệu điện tử (efuel) hay còn được gọi là nhiên liệu tổng hợp.

Song, cuối tuần qua, EU và Đức đã ngồi lại vào bàn đàm phán và đi tới một thỏa thuận mang tính bước ngoặt.

Phương tiện có động cơ đốt trong vẫn được đăng ký sau năm 2035 nếu chúng chỉ sử dụng nhiên liệu trung hòa lượng khí thải CO2.
Phương tiện có động cơ đốt trong vẫn được đăng ký sau năm 2035 nếu chúng chỉ sử dụng nhiên liệu trung hòa lượng khí thải CO2.

Bộ trưởng Giao thông vận tải của Đức Volker Wissing cho biết những phương tiện có động cơ đốt trong có thể tiếp tục được đăng ký sau năm 2035 nếu chúng chỉ sử dụng nhiên liệu điện tử trung hòa về lượng khí CO2 thải ra.

Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã tranh cãi về giá trị của nhiên liệu điện tử trong quá trình chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch của lĩnh vực ô-tô, cho rằng chúng quá đắt đỏ, gây ô nhiễm và tốn nhiều năng lượng.

Trong quá trình sản xuất nhiên liệu điện tử, hydro được tách ra từ nước bằng cách sử dụng các nguồn điện “sạch” bền vững như gió, năng lượng mặt trời và điện hạt nhân. Hydro xanh này sau đó được kết hợp với carbon dioxide bị thu giữ để tạo thành methanol. Cuối cùng, methanol được biến thành nhiên liệu có thể sử dụng được.

Hiện nhiên liệu điện tử vẫn chưa được sản xuất trên quy mô lớn. Theo Viện nghiên cứu Khí hậu Potsdam, tất cả các dự án nhiên liệu điện tử đã được lên kế hoạch trên toàn thế giới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu của Đức đối với việc sử dụng loại nhiên này trong ngành hàng không, vận chuyển và hóa chất trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về việc liệu các phương tiện chạy bằng nhiên liệu điện tử có thể cạnh tranh với ô tô điện, vốn được kỳ vọng ngày càng rẻ. Lường trước các quy định mới của EU, ngành sản xuất ô tô đã ồ ạt đầu tư vào xe điện trong những năm gần đây.

Nguồn: