Hoạt động này sẽ diễn ra hằng tháng theo sáng kiến của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Không chỉ là tổ chức văn hóa chuyên thu thập, lưu giữ và trưng bày các hiện vật, tài liệu có giá trị thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, các bảo tàng, trung tâm lưu trữ, di tích lịch sử văn hóa còn là nơi gìn giữ, phát huy và đưa giá trị di sản đến gần hơn với công chúng.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ trên thế giới, các cơ quan lưu trữ, bảo tàng và quản lý di tích trong những năm qua đã nỗ lực tìm kiếm những cách tiếp cận mới, những giải pháp, ý tưởng, nội dung trưng bày thú vị nhằm truyền tải thông điệp của lịch sử đời sống xã hội.
Dù vậy, việc tạo dựng được một trưng bày hội tụ hài hoà các yếu tố khoa học, nghệ thuật và công nghệ, mang lại sự hấp dẫn đến công chúng, vẫn là điều không hề đơn giản đối với người làm trưng bày trong các thiết chế văn hoá. Làm thế nào để phát huy được giá trị của các hiện vật, tài liệu lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị lưu giữ các loại hình di sản? Làm thế nào có trưng bày hấp dẫn trong điều kiện cơ sở có rất ít, thậm chí không có hiện vật khối? Làm thế nào để công tác giáo dục trong bảo tàng, di tích, Trung tâm lưu trữ thực sự hiệu quả…
Nhận thức được những sự băn khoăn, trăn trở này của những người quản lý di sản, trong năm 2023, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tổ chức một chuỗi tọa đàm để nhà quản lý, nhà khoa học, nhà chuyên môn thảo luận về quá trình đổi mới hoạt động của bảo tàng, di tích và đơn vị lưu trữ.
Buổi tọa đàm đầu tiên có chủ đề “Kinh nghiệm từ những cuộc trưng bày, triển lãm của các trung tâm lưu trữ quốc gia” sẽ được tổ chức vào ngày 1/3 tới tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).
Tại đây, Trung tâm lưu trữ quốc gia I và Trung tâm lưu trữ quốc gia III sẽ trình bày kinh nghiệm nghiên cứu, xây dựng ý tưởng nội dung, hình thành kịch bản trưng bày, phối hợp với nhà thiết kế trưng bày để có những trưng bày hiện đại, hấp dẫn như “Dấu ấn Thành Nam”, “Cách mạng tháng Tám – Mốc son lịch sử”, “Thưởng – Phạt: Chuyện xưa chưa cũ”, “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử”, "Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử" v.v.
“Có những công việc tưởng như quá quen thuộc với những người làm bảo tàng, lưu trữ, nhưng với cách tiếp cận khác nhau, chúng lại trở nên mới mẻ. Cũng vì thế, cùng một nội dung, cùng một loại tài liệu, mà các trưng bày khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau đối với công chúng”, đại diện Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bày tỏ hi vọng tọa đàm sẽ trở thành một không gian học thuật, nơi người làm công tác bảo tàng, lưu trữ và quản lý di tích có cơ hội học hỏi lẫn nhau, cùng nhau xây dựng những ý tưởng mới, cách làm mới để phát huy giá trị di sản lưu trữ.