Bộ KH&CN vừa đề xuất Đề án Đào tạo Bồi dưỡng Nhân lực với ngân sách lên tới 900 tỷ đồng.
Sáng 29/10, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Đề án Đào tạo, Bồi dưỡng Nhân lực KH&CN, do ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ KH&CN chủ trì.
Ông Trần Đắc Hiến nhận định qua khảo sát thì nhu cầu nâng cao trình độ của nhân lực trong lĩnh vực KH&CN là rất lớn, bước đầu Ban biên soạn cho Đề án đã lấy ý kiến nhiều chuyên gia, các nhà khoa học để bước đầu hoàn thiện bản dự thảo thứ nhất cho đề án.
|
Hội thảo về Dự thảo Đề án Đào tạo, Bồi dưỡng Nhân lực KH&CN đã thu hút được nhiều ý kiến thảo luận - Ảnh: Thành Lương |
Phó Trưởng phòng đào tạo - Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN Trần Thị Ngọc Hà cho biết, mục tiêu của đề án đặt ra như sau: Đến năm 2025, cử khoảng 350 chuyên gia, 80 nhóm nghiên cứu, 500 Tiến sĩ, 500 cán bộ quản lý KH&CN đi đào tạo trong nước và nước ngoài.
Dự kiến, tổng kinh phí cho các hoạt động này khoảng 900 tỷ đồng và được lấy từ nguồn ngân sách của Nhà nước.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về Đề án này.
Theo PGS.TS Phan Tuấn Nghĩa từ Đại học Quốc gia Hà Nội, cần phải làm rõ về ràng buộc về sản phẩm sau khi đào tạo là gì? Ông lấy ví dụ, Trung Quốc cũng có chính sách đưa người ra nước ngoài đào tạo nhưng bắt buộc bảo vệ luận văn Tiến sĩ ở trong nước, dưới tên của một thầy trong nước hướng dẫn, như vậy họ vừa có được chất xám từ nước ngoài, vừa đẩy các chỉ số nghiên cứu công nghệ của họ tăng cao hơn.
Đồng tình với ý kiến này, GS. Trần Đức Viên- Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phát biểu, mục tiêu của Đề án đưa ra là nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam nên cần bổ sung sản phẩm đầu ra của Đề án một cách tường minh, cụ thể là, chúng ta sẽ nâng hạng về khoa học công nghệ lên bao nhiêu?
"Chúng ta đã đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp, bây giờ lỡ hạn rồi mà chẳng thấy ai bị kiểm điểm", GS. Viên nhận định.
Ngoài ra, Ban soạn thảo Đề án cần xác định rõ công nghệ chủ lực, ưu tiên của nước ta là gì, công nghiệp mới là gì chứ... suốt đời chạy theo người ta là không được. Thậm chí, còn có việc cán bộ Việt Nam được cử đi đào tạo ở các khóa học bỏ đi shopping.
Ông Trần Quang Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN của Bộ Thông tin & Truyền thông lại cho rằng, còn phải là rõ thế nào là chuyên gia. "Muốn làm chuyên gia thì mỗi người phải tự phát triển, tự nâng cao trình độ của mình và được cộng đồng xung quanh thừa nhận là chuyên gia”, ông Cường nhận định.
Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về tiêu chí, trình độ của những người được chọn đi học theo Đề án này. Một đại diện đến từ Bộ Tư pháp thẳng thắn, giáo dục công nghệ của chúng ta được coi là quốc sách hàng đầu song mãi không lên đầu, gốc chưa tốt thì bồi dưỡng là rất khó.
Do vậy, cần có biện pháp "săn đầu người", hỗ trợ kinh phí cho các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện. Hiện các trường cũng đã có chương trình dạy tiếng Anh toàn bộ và có những nhân lực xuất sắc.
Đối với các nước được lựa chọn để đưa cán bộ đến học tập, cần nhắm tới những nước tiên tiến. Ngoài ra, tiêu chí về trình độ ngoại ngữ của ứng viên là IELTS 6.0, hoặc TOEFL 550 là quá thấp, khó có thể nghe giảng bằng tiếng Anh ở nước ngoài.
Kết luận tại cuộc họp dự thảo, ông Trần Đắc Hiến giải đáp rằng, Đề án mang tính chất bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ khoa học của Việt Nam chứ không phải là đào tạo bằng cấp. Về vấn đề xác định tiêu chí chuyên gia thì Bộ cũng đã có có cơ sở dữ liệu của hơn 1.000 chuyên gia để lựa chọn.
Bộ KH&CN đang cùng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng thông tư liên tịch để giải quyết các vấn đề liên quan đến tuyển chọn nhân sự, tài chính cho việc thực hiện Đề án. Trong trường hợp Đề án được Chính phủ thông qua thì đến năm 2017 mới bắt đầu thực hiện.
Dự kiến, Đề án Đào tạo, Bồi dưỡng Nhân lực KH&CN sẽ được bổ sung hoàn thiện theo ý kiến đóng góp của các đại biểu và trình Chính phủ vào cuối năm 2015.